TP.HCM chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng có kiểm soát để mở cửa kinh tế

Bạch Dương - Quốc Hải Thứ bảy, ngày 16/10/2021 13:28 PM (GMT+7)
"Nếu số ca mắc Covid-19 gia tăng, TP.HCM có nguy cơ phải phong tỏa thêm một lần nữa hay không?". Đây là vấn đề được PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - đặt ra tại Hội thảo về "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025".
Bình luận 0
TP.HCM phải chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng có kiểm soát để mở cửa kinh tế - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi

Ông Dũng phân tích, với tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 72% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Tuy nhiên, TP chưa đạt mức bình thường mới trong giai đoạn hiện nay.

Dẫn chứng từ Singapore, ông Dũng cho biết quốc gia này đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vaccine là 85%. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách thì số ca mắc tăng lại, khiến Chính phủ Singapore phần nào e dè và trì hoãn mở cửa.

Theo ông, không chỉ Singapore mà các quốc gia thực hiện tốt chính sách Zero Covid trong quá khứ đều gặp khó khăn khi nới lỏng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu hay TP.HCM từng bị dịch bệnh hoành hành sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn.

"TP.HCM khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc có thể gia tăng nhưng không nhanh như Singapore. Điều này gợi ý chúng ta cần mạnh dạn lập kế hoạch thực hiện các bước phục hồi kinh tế" - ông Dũng nêu quan điểm.

Lý giải sự phát tán của virus SARS-CoV-2 trong không khí khi xâm nhập vào người đã có miễn dịch sẽ giúp củng cố hiệu lực của vaccine, ông Dũng cho rằng cơ chế này sẽ làm tăng cường miễn dịch cộng đồng. "Như vậy, sống chung an toàn với Covid-19 sẽ tăng cường thêm miễn dịch cộng đồng" - TS Đỗ Văn Dũng nói.

Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vaccine cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng. Điều này cho thấy khi đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của Covid-19 không chỉ có mặt có hại mà còn có mặt có lợi.

"Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn" - PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Ông Dũng kiến nghị TP.HCM mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ; đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện mũi tiêm tăng cường khi cần thiết.

"TP.HCM có thể chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát; đồng thời, không cần thiết cách ly người F1 nếu họ đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine" - ông Dũng đề xuất và đánh giá "nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là nhỏ".

TP.HCM phải chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng có kiểm soát để mở cửa kinh tế - Ảnh 3.

TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi

Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM: Khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 vừa là "phòng thí nghiệm", vừa là chất xúc tác cho việc cải cách về mặt quản trị công. Trong chống dịch, TP đã xác định "chống dịch như chống giặc", giờ đây, trong phục hồi kinh tế, cần phải khẩn cấp phục hồi. Hai giai đoạn trong thời gian tới là "giai đoạn phục hồi kinh tế" (từ ngày 1/10) và "giai đoạn tái thiết – phát triển thành phố" (từ giữa năm 2022 trở đi).

Đối với TP.HCM có 11 vấn đề cần phục hồi khẩn cấp: Y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục – đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi để huy động các nguồn lực cho TP.HCM.

Theo TS Vũ, TP cần tạo cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương, đơn vị trong một số lĩnh vực nhất định; từ đó tiếp tục mở rộng. Quan trọng hơn, cần thiết lập cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM nhằm phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem