TP.HCM đẩy nhanh chốt vị trí xây cầu Cát Lái, giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Hồng Trâm Thứ bảy, ngày 20/08/2022 15:24 PM (GMT+7)
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ xác định vị trí xây dựng cầu Cát Lái nối đôi bờ TP.HCM và tỉnh Đồng Nai trong tháng 8/2022.
Bình luận 0

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây cầu Cát Lái

Đề án xây dựng cầu Cát Lái nối đôi bờ TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã được đưa ra bàn bạc khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được vị trí. 

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM diễn ra vào ngày 20/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết 2 địa phương sẽ họp bàn chốt vị trí xây dựng.

Theo đó, dự án xây cầu Cát Lái thay phà Cát Lái có vai trò kết nối đường 25C là tuyến chính vào sân bay Long Thành với TP.HCM, góp phần chia sẻ lưu lượng cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của cả Đồng Nai và TP.HCM.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa thống nhất được vị trí xây dựng cầu. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị TP.HCM sớm cho ý kiến thống nhất vấn đề này.

TP.HCM đẩy nhanh việc chốt vị trí xây cầu Cát Lái  - Ảnh 1.

Cầu Cát Lái góp phần chia sẻ lưu lượng cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: H.T

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) và tỉnh Đồng Nai đã làm việc nhiều lần. Ông Mãi yêu cầu Sở GTVT TP.HCM chuẩn bị trong tháng này sẽ cùng ngồi lại với Sở GTVT Đồng Nai cùng lãnh đạo Bộ GTVT để góp ý chọn vị trí xây cầu Cát Lái để triển khai sớm.

Được biết, cầu thay phà Cát Lái là dự án cầu đường bộ có vai trò rất quan trọng và được kỳ vọng tạo đột phá kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.200 tỷ đồng, thiết kế dây văng, rộng 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, và lề đi bộ mỗi bên 1,5 m...

5 phương án xây dựng cầu Cát Lái

Trước đó, Đồng Nai đưa ra 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Phương án 1, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (đường Vành đai 2), đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai.

Phương án 2 có hướng tuyến từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ 1km và cách nút giao Mỹ Thủy 2,3km; cầu đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai, sang xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), sau đó kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

TP.HCM đẩy nhanh việc chốt vị trí xây cầu Cát Lái  - Ảnh 3.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây cầu Cát Lái. Ảnh: I.T

Phương án 3 có hướng tuyến cầu bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m; tuyến đi thẳng vào cổng C cảng Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) sau đó rẽ phải đi trùng đường tỉnh 25B, nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 4 có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 (TP.HCM) vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.

Phương án 5 có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.

Trong 5 phương án trên, Sở GTVT và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đánh giá khả thi nhất là phương án 4. Theo Sở GTVT TP.HCM, phương án 4 sẽ tạo mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro số 4 và các tuyến trục chính giao thông hướng tâm như: đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, đi qua huyện Nhơn Trạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại, phù hợp định hướng.

TP.HCM đẩy nhanh việc chốt vị trí xây cầu Cát Lái  - Ảnh 4.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 6 làn xe kết nối hai tỉnh thành. Ảnh: H.T

Được biết, kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện đang gồm các tuyến: quốc lộ 1A, quốc lộ 1k quy mô 6 làn xe; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 6 làn xe kết nối hai tỉnh thành, các tuyến đường này hiện nay đều quá tải.

Tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất, tuyến đường sắt Metro Bến Thành - Suối Tiên được quy hoạch kéo dài từ ga Suối Tiên đi dọc quốc lộ 1 đến ngã 3 chợ Sặt, TP Biên Hoà. Kiến nghị Thủ tướng chính phủ cho chủ trương nghiên cứu đầu tư kéo dài đến KCN Biên Hoà 1 tại phường An Bình, TP Biên Hoà.

 Ngoài ra, một số dự án đang triển khai có ý nghĩa giao thông quan trọng cần các bên liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ như: dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; vành đai 3; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem