TP.HCM dẹp karaoke loa kéo ra sao?

Quang Phương Thứ bảy, ngày 11/07/2020 10:17 AM (GMT+7)
Ngày 11/7, kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX bắt đầu với phiên chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) TP.HCM. Vấn đề karaoke loa kéo gây phiền hàng xóm lại tiếp tục được đưa ra để mổ xẻ.
Bình luận 0

Đại biểu Tăng Hữu Phong có ý kiến: "Trong hội nghị lần này, vấn đề karaoke loa kéo được khá nhiều đại biểu quan tâm. Vậy, Sở VHTT TP.HCM có giải pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng karaoke loa kéo "tra tấn" hàng xóm như các đại biểu phản ánh?".

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết: "Trong các buổi tiếp xúc, họp với dân, người dân liên tục phản ánh tình trạng bị hàng xóm làm phiền bởi hình thức hát karaoke loa kéo. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân".

TP.HCM dẹp karaoke loa kéo ra sao?  - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội nghị sáng 11/7. Ảnh: Quang Phương

Từ đó, bà Châu đề nghị: "Các khu dân cư có những quy ước, hương ước, trong đó quy định về vấn đề tiếng ồn gây ảnh hưởng đến láng giềng để khi có ai vi phạm thì sẽ bị xử lý. Chúng ta quy định cấm làm ồn, ảnh hưởng đến xung quanh từ 22h - 6h sáng. Nhưng đó là ban đêm, còn ban ngày thì sao? Ban ngày, họ hát ảnh hưởng đến người cao tuổi, đến trẻ nhỏ nên phải đưa vào quy ước, hương ước để mọi người cùng thực hiện".

Với kinh nghiệm xử lý vấn nạn karaoke loa kéo tại địa phương, đại diện huyện UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện đã thành lập đoàn liên ngành 814 kiểm tra các cơ sở văn hóa. Nếu liên quan đến tiếng ồn, Phòng Tài nguyên và môi trường (TNMT) xử lý. Đối với những tiếng ồn hoạt động thường xuyên, phải có sự theo dõi liên tục và phải có chỉ số an toàn mới cho phép tồn tại.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM nói: "Hiện nay, người dân sử dụng loa rời và micro để giải trí hát karaoke. Trong 6 tháng đầu năm đã có 46 trường hợp xử lý bằng hình thức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Đối với các nguồn tiếng ồn lớn, ngành TNMT tiến hành đo đạt và xử lý, tuy nhiên việc đo đạt rất phức tạp".

Toàn cảnh buổi họp sáng 11/7. Clip: Quang Phương

Trả lời chất vấn, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho hay: "Trong thời gian qua, Sở đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề bị làm phiền bởi tiếng ồn và đã cho thanh tra. Trách nhiệm xử lý thuộc về Thanh tra Sở. Chúng tôi đã phối hợp với Sở TNMT TP.HCM để xử lý về mặt tiếng ồn.

Theo quy định, Sở VHTT không có chức năng để đo tiếng ồn nên phải ký hợp đồng với đơn vị khác để đo tiếng ồn. Nghị định 115 của Chính phủ thì xử lý tiếng ồn thuộc về ngành TNMT. Công an thành phố là đơn vị có chức năng xử phạt về mặt tiếng ồn".

Ông Nhân nói thêm: "Chúng tôi đã có văn bản giao trách nhiệm cho Sở TNMT và Công an TP.HCM cùng các quận huyện, trong địa bàn dân cư, trách nhiệm đó thuộc về đồng chí Chủ tịch quận, huyện và trưởng công an quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm xử phạt. Phải xử lý kịp thời không để xảy ra những mẫu thuẫn do tiếng ồn gây nên".

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Giám đốc Sở VHTT rà soát lại các quy định, văn bản liên quan để có văn bản chỉ đạo hợp lý. Theo bà Lệ, hiện trách nhiệm các cơ quan trong xử lý vấn đề tiếng ồn chưa thống nhất với nhau. Do đó cách hành xử của các bên khi tiếp nhận vụ việc chưa rõ ràng, lúc thì bên này chịu trách nhiệm, lúc thì bên khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem