TP.HCM: Dịch tả heo châu Phi vây tứ phía, lo cho 2.000 hộ nuôi lợn

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 08/06/2019 06:05 AM (GMT+7)
Các huyện ngoại thành TP.HCM có đàn lợn đang nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trước tình trạng dịch đã áp sát tứ phía.
Bình luận 0

Tăng cường chốt chặn

Huyện Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, với địa bàn tương đối rộng, giáp ranh 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Dương, đồng thời, là nơi có trục đường liên tỉnh vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh đi qua, nên nguy cơ lây lan DTLCP là rất lớn.

UBND TP.HCM đã lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành Phước Thạnh đặt trên Quốc lộ 22 tại ấp Mây Trắng (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi). Chốt này do Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phụ trách. Thời gian hoạt động của các chốt: Trực 24/24h kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ và ngày nghỉ.

img

HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (Củ Chi) giờ đã “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để bảo vệ đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: T.Đ

Trước tình hình DTLCP đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch qua hệ thống thông tin tuyên truyền của huyện, xã, thị trấn để tuyên truyền các phương pháp phòng chống bệnh dịch có hiệu quả; lập bản cam kết chăn nuôi an toàn và chủ động phòng chống dịch tại các hộ chăn nuôi lợn...  

Hiện, tổng đàn lợn ở huyện Củ Chi hơn 170.900 con. Thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa xuất hiện bệnh dịch. Tuy nhiên, huyện vẫn chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, đề ra các tình huống ứng phó khi bệnh dịch xảy ra, đồng thời thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn, giám sát và cảnh báo dịch bệnh.

Tuy nhiên, huyện Bình Chánh mới là huyện dễ “tổn thương” trước DTLCP. Huyện Bình Chánh là cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM, giao lưu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh miền Tây. Do đó, việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh qua địa bàn huyện diễn ra thường xuyên, dễ phát sinh lây nhiễm bệnh DTLCP trên đàn lợn của huyện.

Theo đại diện Trạm Chăn nuôi - Thú y Bình Chánh - Bình Tân, hiện trên địa bàn huyện có 574 hộ chăn nuôi trên 48.360 con lợn. Trong đó, có 159 hộ chăn nuôi ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đa số sử dụng cơm thừa trong các cửa hàng ăn uống, nhà hàng…  nên có nguy cơ lây nhiễm DTLCP trên đàn lợn.

Trong khi đó tại huyện Hóc Môn, ông Đỗ Thanh Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, huyện đã tổ chức cấp phát vôi bột cho các hộ chăn nuôi lợn sử dụng thức ăn thừa trên địa bàn các xã Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh và Thới Tam Thôn. Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch của huyện đã tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đường trọng yếu, tuyến đường giáp ranh tỉnh Long An. Ban An toàn thực phẩm Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tiếp tục tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt lợn…

Lo cho 2.000 hộ nuôi lợn

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 2.000 hộ chăn nuôi lợn với hơn 300.000 con. Tất cả các hộ chăn nuôi lợn tập trung tại 5 huyện đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó 50% số lợn tại huyện Củ Chi.

img

Một chủ trại nuôi lợn ở Củ Chi đang lo sốt vó với tình hình DTLCP áp sát thành phố.  Ảnh: T.Đ

"Nhiều hộ nuôi heo phải vay mượn tiền ngân hàng, tín dụng đen, nếu đàn heo bị mắc dịch và tiêu hủy, rất khó khăn để người nuôi heo gượng dậy tái đàn”.

Anh Nguyễn Văn Nhung 
huyện Bình Chánh

Hiện trước áp lực dịch từ các tỉnh ĐBSCL đang áp sát thành phố, huyện Bình Chánh vẫn chưa được tăng cường lập chốt kiểm dịch. Trên địa bàn huyện chỉ có Trạm kiểm tra động vật An Lạc đặt trên Quốc lộ 1A và một đội kiểm tra lưu động khu vực giáp ranh với Long An. Trên các tuyến đường huyết mạch về miền Tây, như: Đường Nguyễn Hữu Trí, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ 50 chưa đặt chốt kiểm dịch.

Ông Nguyễn Văn Tủi - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố (Hội Nông dân TP.HCM) chia sẻ, nếu thành phố bị dịch tấn công, 300.000 con lợn thiệt hại không là bài toán của một thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nhiều hộ nuôi lợn sẽ bị thiệt hại nặng.

“Chính phủ đã công bố sẽ hỗ trợ 80% cho các hộ nuôi lợn bị thiệt hại bởi DTLCP, nhưng nhiều hộ dân vẫn sẽ tổn thương về kinh tế. Nhiều năm nay thành phố đã tốn nhiều tiền của, công sức để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nếu DTLCP tấn công, thành phố  phải dồn sức hỗ trợ nông dân thiệt hại hơn” - ông Tủi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem