Theo công bố, dịch tả lợn Châu Phi đang dần được khống chế. Hiện nay đã có 2 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi, gồm: Hưng Yên, Hà Nội. Không phát hiện địa phương mới để xảy ra dịch. Tại TP.HCM không phát hiện dịch.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, người dân không mua thịt tấp nập với số lượng như trước nhưng các tiểu thương vẫn duy trì kinh doanh, không bỏ buổi nào.
Chúng tôi có mặt từ sáng sớm ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), một trong những chợ bán sỉ thực phẩm lớn của TP.HCM. Mỗi ngày, chợ Bình Điền xuất đi hàng chục tấn thịt lợn cho các nhà hàng, tiểu thương các chợ thuộc địa bàn TP.
Như thường lệ, hàng thịt lợn vẫn đủ chủng loại, từ thịt lợn sữa, lợn thịt,… phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù tình hình mua bán thịt lợn chưa trở lại sôi động, náo nhiệt như trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng người tiêu dùng đã không còn e dè như trước, giá bán lẻ các sản phẩm thịt lợn cũng không hề sụt giảm.
“Cách đây gần 2 tháng, mỗi buổi gia đình tôi mổ cả chục con lợn, bán hàng tấn thịt. Nhưng bây giờ mỗi ngày cũng chỉ mổ 4, 5 con vì các tiểu thương ở chợ bán lẻ lấy giảm số lượng. Mặc dù thịt lợn của gia đình tôi và tiểu thương ở đây đều có nguồn gốc, thịt đảm bảo an toàn, nhưng đấy là tâm lý chung của người tiêu dùng thì biết làm sao”, chị Dung, một tiểu thương nói.
Giá heo hơi tại TP.HCM đã tăng lên và cán mốc 50.000 đồng/kg.
Chị Thủy, tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám cầm miếng thịt có đóng dấu kiểm định đưa cho phóng viên Dân Việt xem rồi cho biết: Thịt lợn chị bán hàng ngày được lấy ở lò mổ bao giờ cũng qua kiểm định của cơ quan chức năng, dấu còn đóng trên thịt. Vậy mà hai tháng qua, kể từ ngày "nóng" dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc, lượng thịt bán ra hàng ngày giảm hẳn.
“Mấy ngày nay, chúng tôi đã phải lấy thịt lợn hơi giá cao. Ở các lò mổ, chợ đầu mối bán ra đã xấp xỉ 50.000 đồng/kg các loại. Tuy nhiên, tình trạng tiêu thụ thịt lại không khả quan, nếu còn kéo dài thì bà con bán thịt lợn khó khăn lắm", chị Thủy tỏ ra lo lắng.
Trong khi đó, những ngày này các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ rất tốt mặt hàng thịt heo, thậm chí có doanh nghiệp phải tăng sản lượng giết mổ để cung cấp cho người tiêu dùng. Với hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào tới khâu giết mổ, sơ chế, đóng gói, dán nhãn, các sản phẩm thịt heo ở siêu thị luôn tươi ngon, đảm bảo chất lượng nên đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo thống kê, TP.HCM là đầu mối lớn nhất tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam, bình quân mỗi ngày khoảng 10.000-11.000 con (tương đương 750-800 tấn lợn thịt).
Tuy nhiên tại các chợ truyền thống người dân vẫn không mặn mà với thịt lợn mặc dù virus dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản TP.HCM (Công ty Vissan) cho hay: Hiện tâm lý của người tiêu dùng vẫn lo sợ việc ăn phải thịt nhiễm bệnh sẽ không tốt cho sức khỏe.
Mặc dù các phương tiện truyền thông, các chuyên gia y tế, nhà khoa học đã khẳng định dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người, hơn nữa nhiều người có thể vẫn biết điều đó, nhưng vẫn có tâm lý "kiêng" thịt lợn cho tới khi qua dịch.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với căn bệnh này ở lợn. Từ đó, khuyến khích người dân lựa chọn, sử dụng thịt lợn tươi và các sản phẩm làm từ thịt lợn…, nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là không làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, chăn nuôi mua bán... của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.