TP.HCM: "Giải cứu" cảng Phú Hữu?

Hữu Ký Thứ tư, ngày 18/04/2018 18:30 PM (GMT+7)
TP.HCM đang tìm cách tháo gỡ khó khăn để mở rộng tuyến đường huyết mạch dẫn vào cảng biển hiện đại bậc nhất khu vực (cảng Phú Hữu, Q.9). Qua đó sớm kéo giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Bình luận 0

Cảng Phú Hữu (Q.9) ở phía đông thành phố, một trong những cảng có vai trò quan trọng trong khu vực, được xem là một phần của cảng Cát Lái mở rộng. Đây là cảng có quy mô, thiết bị cảng biển hiện đại và cũng là cảng đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình hải quan điện tử thành công. Cảng Phú Hữu nằm trong quy hoạch của nhóm cảng biển số 5, thuộc khu bến cảng trên sông Đồng Nai. Với vị trí đặc thù, cảng có kết nối tốt với đường bộ: kết nối đường Vành đai 2 và cao tốc TPHCM – Long Thành thông qua đường Nguyễn Duy Trinh và đường Nguyễn Thị Định (qua cảng Cát Lái), cũng như kết nối tốt bằng đường thủy nội địa với các cảng nước sâu và hệ thống cảng thủy, ICD trong vùng.

Dù vậy, thời gian qua hoạt động của cảng này gặp không ít khó khăn do hệ thống hạ tầng kết nối chưa đồng bộ. Đặc biệt đường Nguyễn Duy Trinh – tuyến đường chính dẫn vào cảng hiện chỉ rộng khoảng 7m với 2 làn xe lưu thông. Vào giờ cao điểm, cửa ngõ cảng Phú Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đơn vị chủ quản cảng Phú Hữu từng kiến nghị thành phố khẩn trương khép kín đường Vành đai 2, hỗ trợ cảng xây dựng tuyến đường từ cầu Bà Cua đến đường vào cảng Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để hàng hóa dễ dàng thông qua cảng Phú Hữu, chia tải cho cảng Cát Lái. 

img

Đường Nguyễn Duy Trinh đang quá tải do mặt đường chỉ rộng khoảng 7m

Để “giải cứu” cảng Phú Hữu, thành phố đã sớm phê duyệt dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên thành 30m, với chiều dài hơn 1,6km, với tổng mức đầu tư khoảng 930 tỉ đồng. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai được.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) cho hay dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990) đã có nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và đã được thành phố phê duyệt. Nhà đầu tư đang lập, hoàn thiện đề án khả thi theo trình tự thủ tục quy định, trong đó có việc xác định nguồn đất hoán đổi. Sau khi dự án khả thi được duyệt thì mới thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên thời gian hoàn thành dự án khi nào vẫn chưa được thông tin chính thức.

Trước đó, trong buổi khảo sát tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng rất cần thiết thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. Điều này không chỉ giải quyết bài toán giao thông cho thành phố mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng Phú Hữu hoạt động có hiệu quả.

Ông Tuyến thừa nhận vấn đề khó khăn nhất là nguồn vốn. Dự án được thực hiện theo hình thức BT nhưng thành phố chủ trương tạm ngưng triển khai các dự án BT trên địa bàn để rà soát lại quy trình. Trong khi ngân sách thành phố không ghi vốn trung hạn thực hiện các dự án đến năm 2020, nên sẽ không thể sắp xếp vốn ngân sách thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh.

Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại dự án, báo cáo UBND thành phố để xin ý kiến Thành ủy TP.HCM. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết như dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, UBND thành phố có thể đề xuất với Thành ủy, lấy dự án này làm thí điểm quy trình thực hiện dự án BT, sau đó áp dụng đại trà đối với các dự án khác.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một doanh nghiệp được thành phố đồng ý làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990, doanh nghiệp này sẵn sàng cho thành phố mượn 300 tỷ đồng không lãi suất trong 3 năm để làm dự án, nhưng đề nghị riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do thành phố thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem