Đó là nội dung ký kết ghi nhớ giữa Sở NNPTNT TP.HCM và các đối tác quốc tế vừa qua. Theo đó, Sở NNPTNT TP.HCM xác định địa điểm và diện tích phát triển, cải tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chính; đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các đối tác.
Hoa lan – một sản phẩm nông nghiệp được TP.HCM hợp tác với các đối tác quốc tế để phát triển trong thời gian tới. Ảnh: T.H
Theo nội dung ký kết, Sở NNPTNT TP.HCM và đại diện các quận, huyện trên địa bàn, các đối tác từ Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, bản quyền giống, tạo điều kiện để TP.HCM hướng tới nền nông nghiệp xuất khẩu. Các đối tác cũng nêu ra những nhu cầu cụ thể về nhập khẩu nông sản để “đặt hàng” TP.HCM.
Ông Tsai I Chang – Giám đốc Viện 3I, chuyên gia tư vấn phát triển nông nghiệp Đài Loan- cho biết, Đài Loan sẵn sàng hợp tác với TP.HCM để chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp. Hiện tại, dù có diện tích sản xuất nhỏ, nhưng Đài Loan hiện là vùng lãnh thổ có sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao.
Trao đổi với ông Chang, đại diện huyện Hóc Môn cho rằng, hiện tại, nhiều nhà vườn, doanh nghiệp của TP.HCM có nhập khẩu giống hoa lan từ Đài Loan về để trồng, nhân giống. Việc này giúp đa dạng hóa nguồn giống hoa lan của thành phố, tuy nhiên sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu trong tương lai, do vướng bản quyền giống.
Trả lời vấn đề này, ông Tsai I Chang cho rằng, phía Đài Loan sẵn sàng chuyển giao bản quyền giống cùng công nghệ sản xuất, chế biến hoa lan cũng như cách làm truyền thông, quảng cáo sản phẩm cho TP.HCM, tạo điều kiện để nông dân xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, ông Nishikawa Yasuo– Thư ký trưởng Ủy ban Chính sách nông-lâm-ngư nghiệp Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản thông tin, hiện tại sản xuất nông nghiệp Nhật Bản chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu nội địa. Phần còn lại, Nhật Bản phải nhập khẩu từ các nước.
Tuy nhiên, theo ông Yasuo, người Nhật Bản rất khó tính trong việc lựa chọn thực phẩm, đồng thời, có thói quen “nhìn mặt bắt hình dong” trong việc đánh giá sản phẩm. Do đó, nông sản nhập khẩu vào Nhật phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhưng cũng phải có vẻ ngoài “bắt mắt”.
GDP ngành nông lâm ngư nghiệp TP.HCM năm 2015 đạt 9.502 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2015 đạt xấp xỉ 18.100 tỷ đồng, bằng 2,3 lần so với mức tăng của cả nước.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.