TP.HCM: Liên tiếp phát hiện sự cố tại tuyến metro số 1 nhưng chưa được giải quyết

Bạch Dương Thứ năm, ngày 08/04/2021 20:43 PM (GMT+7)
Qua kiểm tra giám sát hiện trường, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã phát hiện liên tiếp các sự cố về gối đầu cao su bản thép bị rơi hoặc xô lệch trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, ảnh hưởng đến chất lượng công trình đang chuẩn bị hoàn thiện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Bình luận 0
Liên tiếp phát hiện sự cố tại tuyến metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Sự cố gối cầu cao su bản thép xảy ra hàng loạt trên tuyến metro số 1.

Sự cố xảy ra hàng loạt

Theo báo cáo của MAUR, ngày 30/10/2020 xảy ra việc một gối cao su bản thép (của nhà sản xuất Mageba) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 (theo hướng Bến Thành đi Suối Tiên) thuộc đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rời khỏi đá kê gối mà không rõ lý do.

Ngày 28/12/2020, phát hiện thêm một gối cao su bản thép (của nhà sản xuất Mageba) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P12-34 thuộc đoạn cầu cạn VD12 bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đá kê gối là 100 mm theo hướng đi Bến Thành mà không rõ lý do.

Mới đây nhất, các ngày 12 và 13/3, MAUR phát hiện thêm 2 gối cao su bản thép (của nhà sản xuất Mageba) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P9-05 thuộc đoạn cầu cạn VD9 và 2 gối cao su bản thép (của nhà sản xuất Kawakin) tại vị trí trụ P11-06 thuộc đoạn cầu cạn VD11 bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đá kê gối (7 mm và 11 mm) theo hướng đi Suối Tiên mà không rõ lý do.

Ban quản lý đường sắt đô thị nhận định, các gối cao su bản thép sử dụng cho cầu cạn đang tiếp tục bị dịch chuyển, xô lệch khỏi đá kê gối và có tính chất hệ thống, xảy ra hàng loạt.

Việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân các sự việc trên là khẩn cấp nhằm giảm tối đa các ảnh hưởng, thiệt hại đến toàn bộ kết cấu bên trên do Tổng thầu của Gói thầu số 2 đã thi công xây dựng và Tổng thầu Gói thầu số 3 đang thi công lắp đặt.

Ngay sau khi phát hiện các sự cố, MAUR cùng tổ công tác, liên danh NJPT tổ chức họp, yêu cầu Tổng thầu EPC báo cáo nguyên nhân, đánh giá hư hỏng, phương án xử lý. MAUR cũng yêu cầu Tổng thầu EPC rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật, bản vẽ thi công, hồ sơ thi công, đánh giá toàn bộ quá trình thi công của tổng thầu đối với gối và dầm cầu cạn tại các vị trí trụ đã được phát hiện.

Tuy nhiên, MAUR cho biết, đến nay đã hơn 5 tháng từ khi xảy ra sự cố rơi gối cầu tại khu vực VD14, Tổng thầu EPC vẫn chưa bố trí đủ nhân lực nhằm tập trung giải quyết sự việc. Đến thời điểm hiện tại, EPC mới chỉ cử 1 chuyên gia Nhật Bản, 1 chuyên gia Hàn Quốc, chưa cử chuyên gia thiết kế có mặt để giải quyết vụ việc. Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc chậm trễ giải quyết sự cố và chất lượng công trình.

Liên tiếp phát hiện sự cố tại tuyến metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Cận cảnh một gối cầu cao su.

Thu hồi toàn bộ số tiền đã thanh toán

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng ban MAUR cho biết, Ban quản lý đường sắt đô thị đã kiến nghị với UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung gói thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng toàn bộ các gối cầu đã lắp đặt và các đoạn dầm bị hư hỏng. Sau khi có kết quả cuối cùng về thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng công trình, MAUR yêu cầu Tổng thầu EPC thay thế các gối cầu và đoạn dầm không đạt chất lượng (nếu có) theo quy định của hợp đồng và pháp luật Việt Nam.

Trong quá trình giải quyết sự cố liên quan đến gối cao su, Ban quản lý đường sắt đô thị nhận thấy các hạng mục liên quan đến gối cầu vẫn còn một số tiêu chuẩn chưa được phê duyệt nhưng Liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) vẫn triển khai thi công và được Liên danh NJPT tiến hành nghiệm thu, xác nhận thanh toán.

Sau khi rà soát các quy định pháp lý, lãnh đạo MAUR khẳng định chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thanh toán cho Liên danh Sumitomo - Cienco 6. Từ đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị xem như nhà thầu chưa hoàn thành công tác thi công gối cầu nên không đủ cơ sở để đề nghị nghiệm thu thanh toán.

Ngoài ra , các công tác lao lắp dầm chỉ có thể được thực hiện sau khi các gối cao su đã được hoàn thành và nghiệm thu chất lượng theo quy định tại Hợp đồng và pháp luật. Trong bối cảnh SCC chưa hoàn thành thi công gối cao su nên Ban Quản lý Đường sắt đô thị đánh giá nhà thầu cũng chưa hoàn thành công tác lao lắp dầm.

Do đó, MAUR quyết định sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ số tiền đã thanh toán cho Liên danh Sumitomo - Cienco 6 đối với hạng mục gối cao su và lao lắp dầm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đề nghị Liên danh NJPT rà soát các hồ sơ thanh toán giữa kỳ trước đây bao gồm các mốc thanh toán liên quan đến hạng mục gối cao su và công tác lao lắp dầm mà Liên danh Sumito - Cienco 6 vẫn chưa hoàn thành để tiến hành việc thu hồi số tiền đã thanh toán cho nhà thầu.

Ngoài ra , Ban Quản lý Đường sắt đô thị đề nghị Liên danh NJPT tính toán các chi phí phát sinh liên quan đến số tiền đã thanh toán (như lãi suất phải trả cho nhà tài trợ đối với số tiền đã giải ngân, chi phí cho việc chậm tiến độ thi công...) để làm cơ sở cho việc thu hồi.

Gối cầu cao su thường được đặt ở vị trí giữa dầm cầu và mố cấu nhằm nâng đỡ những dầm thép hoặc dầm bê tông. Gối cầu là bộ phận nối từ nhịp cầu xuống mố trụ, có tác dụng như tấm đệm chịu tải, giảm lực kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ. Bộ phận này giúp kết cấu nhịp dịch chuyển, co giãn ít... Tùy công trình, gối cầu có thiết kế khác nhau, bằng thép hoặc đàn hồi như cao su, cao su bản thép... Gói thầu CP2 của Metro số 1 dùng hơn 1.100 gối cao su của hai thương hiệu Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, tổng đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án hiện đạt hơn 83% khối lượng, trong đó gói thầu CP2 đạt gần 92%. Công trình dự kiến đưa vào khai thác thương mại năm 2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem