TP.HCM: Ngàn vạn người chung một niềm đau...

Thứ bảy, ngày 12/10/2013 11:18 AM (GMT+7)
Những giọt nước mắt âm thầm chực rơi trên khóe mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng thở dài lặng im như vỡ òa trong dòng người đến viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Dinh Thống Nhất sáng 12.10.
Bình luận 0
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người đã xếp hàng nối dài trước cổng Dinh Thống Nhất chờ được vào viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dường như nỗi đau về sự ra đi của Đại tướng được nén chặt trong lòng người dân miền Nam bấy lâu nay đã vỡ òa trong tiếng khóc.

Từ cụ già ngồi xe lăn, các cán bộ, chiến sĩ, công an, lãnh đạo các ban ngành, các cơ quan đoàn thể, cựu chiến binh cho đến các em học sinh, sinh viên đã lần lượt đến viếng tang Đại tướng trong niềm tiếc thương vô hạn.

img

Cụ bà Ngô Thị Huệ, phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, dù rất khó nhọc khi phải ngồi trên chiếc xe lăn nhưng cụ đã có mặt rất sớm để thắp một nén hương tiễn biệt Đại tướng. Hai mắt đỏ hoe, cụ kể về kỷ niệm một thời cùng là đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà không kìm nén nỗi xúc động.

“Sự ra đi của ông ấy khiến tôi rất buồn và cả dân tộc tiếc thương. Ông ấy là một người rất mực yêu nước, thương dân và đặc biệt rất hiền. Ông ấy đã để lại dấu ấn lịch sử cho dân tộc bằng chiến thắng Điện Biên phủ vẻ vang, nói đến Điện Biên phủ là nói đến ông ấy” – Cụ bà Ngô Thị Huệ bồi hồi nhớ lại.

Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến viếng Đại tướng
Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến viếng Đại tướng

Bác Nguyễn Văn Đàm, nguyên là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 148 quân khu Tây Bắc, chiến đấu ở chiến trường Lào, một tay ôm di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tay dẫn theo đứa cháu nội còn nhỏ đã có mặt ở Dinh Thống Nhất từ rất sớm để dâng hương tiễn biệt Đại tướng.

Bác Đàm kể về kỷ niệm một lần được Đại tướng nhắc nhở Trung đoàn phải di chuyển địa điểm đóng quân ngay, không thì “B52 nó đánh đấy”. Quả nhiên, sau khi bác Đàm và đồng đội vừa chuyển đi thì pháo đài B52 của địch đến ném bom tan tác cả vùng.

Đoàn Thành uỷ TPHCM đến viếng
Đoàn Thành uỷ TPHCM đến viếng

“Nếu không có Đại tướng nhắc nhở thì giờ tôi cũng đã mồ yên mả đẹp rồi, còn đâu để đứng đây mà viếng bác ấy nữa, thật khâm phục tài cầm quân của Đại tướng. Đại tướng từng nói với đơn vị tôi rằng các đồng chí đi giúp nước bạn Lào là các đồng chí tự giúp mình đấy” – bác Đàm kể lại kỷ niệm mà rưng rưng nước mắt.

Dù không được khỏe lắm và phải ngồi xe lăn nhưng mới 5h sáng cụ bà Vũ Thị Hiếu (đã ngoài 90 tuổi, phu nhân của một cán bộ thành cách mạng ở quận 2, TP.HCM) đã đòi con cháu phải đưa cụ đến Dinh Thống Nhất để viếng tang Đại tướng.

Các cơ quan đoàn thể đến viếng tang Đai tướng
Các cơ quan đoàn thể đến viếng tang Đai tướng

Đối với cụ bà Vũ Thị Hiếu, sự ra đi của Đại tướng là niềm đau vô tận nên khi đến trước di ảnh của Đại tướng, cụ đã khóc ngất mà không thở được, may sao sức khỏe cụ bà đã dần hồi phục lại. Đại tá Nguyễn Hoàng Châu – phó giám đốc Công an TP.HCM – hồi nhỏ ở nhà số 60 Hoàng Diệu, cách nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chừng chục căn, đã xúc động dâng nén hương tiễn biệt Đại tướng. Ông nói: “Đại tướng xứng đáng là vị Thánh của lòng dân”.

Có những người con quê hương của Đại tướng vào Sài Gòn học đại học, hay tin Đại tướng mất mà không có dịp về quê để viếng Bác đã đến Dinh Thống Nhất viếng Đại tướng và bày tỏ niềm đau. Em Phạm Thị Huyền, một người con của Quảng Bình vào Sài Gòn học đại học, cứ ngồi ở bàn lặng im bên sổ tang một hồi lâu rồi khóc nức nở. Những dòng chữ đã nhòe đi vì nước mắt trong sổ tang của Đại tướng, Phạm Thị Huyền ghi: “Thưa Bác, con là người con của mảnh đất Quảng Bình thân yêu.
Bác Nguyễn Văn Đàm
Bác Nguyễn Văn Đàm
Hôm nay, con không thể cầm được nước mắt khi Bác ra đi. Dù chưa bao giờ được gặp Bác nhưng con đã biết đến Bác từ lâu và được nghe ba mẹ kể về Bác rất nhiều. Con đã nhiều lần đi ngang qua nhà Bác nhưng chưa được vào thăm. Là người con Quảng Bình, đi đâu con cũng tự hào khoe với mọi người về quê hương và Đại tướng.

Những ngày qua, con đã nhiều lần không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh của Bác. Đại tướng ơi, dù Bác đã đi xa nhưng có lẽ bây giờ và sau này con sẽ không bao giờ quên một người con của quê hương Quảng Bình như Đại tướng”.

Ghi sổ tang Đại tướng
Ghi sổ tang Đại tướng

Em Lê Thị Mỹ Duyên, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Luật TP.HCM, sụt sùi khóc: “Bác ơi, cháu là người con của Quảng Bình, dù chưa một lần được gặp Bác nhưng qua lời kể của người lớn, cháu rất tự hào về Bác. Những ngày gần đây, đọc báo viết về Bác cháu đã khóc rất nhiều và không lần nào cháu cầm được nước mắt. Cháu đã khóc như chính người thân của cháu đã qua đời vậy”.

Trước đó, vào chiều 10.10, ba đơn vị Lữ đoàn thông tin 23, Lữ đoàn phòng không 77 và Bảo tàng miền Đông thuộc Quân khu 7 đã trang trọng tổ chức lễ viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rất đông các cựu chiến binh, người dân trong khu vực và toàn thể cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị đã đến dâng hương tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Nguyễn Hoàng Hải – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn thông tin 23 – cho biết, người dân trong khu vực hoặc các cơ quan khối Dân chính Đảng không có điều kiện ra Hà Nội viếng Đại tướng thì có thể đến đơn vị để dâng hương viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất cứ thời gian nào từ đây cho đến hết ngày 12.10.

Đoàn người xếp hàng vào viếng Đại tướng.
Đoàn người xếp hàng vào viếng Đại tướng.

Đoàn người đến dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp hòa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Từng người lặng lẽ cầm nén nhang đến bên bàn thờ di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cố dấu những giọt nước mắt nhưng không thể dấu được đôi mắt đỏ hoe. Chẳng ai nói với ai một lời nào, từng lượt người đến dâng nén hương tiễn biệt Đại tướng rồi lại lặng lẽ đi. Cô Hà Thị Thanh Điểu, một người dân ở phường 2 quận Tân Bình, TP.HCM, vừa dâng nén hương lên bàn thờ di ảnh của Đại tướng đã vội nép mình nơi góc phòng khóc rấm rứt.

Cô bảo rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị thánh của lòng dân, là người yêu nước, thương dân một cách sâu sắc chứ không phải hời hợt như những người khác, dù chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng khi đứng trước di ảnh của Người, cô đã không kìm nén được xúc động. Một chiến sĩ trẻ của Lữ đoàn thông tin 23 tâm sự: “Dẫu biết rằng sinh có hạn, tử bất kỳ nhưng hay tin Đại tướng mất, lòng tôi quặn đau dù chưa một lần được trực tiếp gặp bác và chỉ được nhìn thấy Bác qua ảnh, sách, báo và trên truyền hình nhưng sự ra đi của Bác làm tôi hụt hẫng vô cùng”.

Đứng núp mình sau bàn thờ di ảnh Đại tướng, một chiến sĩ trẻ lau vội nước mắt sau khi dân nén hương tiễn biệt Đại tướng. Anh nói: “Tôi không biết dùng lời lẽ gì để diễn tả hết tấm lòng kính trọng và xót xa trước sự ra đi của Bác. Nói đến Bác là nói đến cả một quá khứ hào hùng của dân tộc nhưng tôi nghĩ điều đáng khâm phục nhất ở Bác, không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, mà còn là hiện thân của sự dung dị, trong sáng, gần gũi với nhân dân”. Hôm nay, các đơn vị còn lại của Quân khu 7 cũng tổ chức lễ viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dòng người đến Dinh Thống Nhất viếng tang Đại tướng càng lúc càng đông. Không ai bảo ai, họ lặng lẽ xếp hàng trong im lặng. Người thì mang một bó hoa, người ôm di ảnh của Đại tướng. Họ đứng đấy xếp hàng, mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng dường như họ có cùng chung một niềm đau nén chặt, bấy lâu, đã vỡ òa trong nước mắt tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Võ Đức Phúc (Võ Đức Phúc )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem