TP.HCM nới phạm vi, mở rộng nhóm sản phẩm tham gia OCOP để tìm thêm nhiều đặc sản nức tiếng

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 12/07/2023 07:31 AM (GMT+7)
Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) TP.HCM có nhiều điểm mới, thêm nhiều chủ thể tham gia. Chương trình OCOP TP.HCM kỳ vọng phát huy được thế mạnh sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông thôn, xây dựng hiệu quả nông thôn mới.
Bình luận 0

UBND TP.HCM vừa trao chứng nhận 39 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-4 sao cho các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, TP.HCM có tổng cộng 66 sản phẩm OCOP 3-4 sao và 1 sản phẩm là bột rau má có đường của công ty Quảng Thanh (huyện Củ Chi) đang đề xuất Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao.

Trong số này, một loạt đặc sản, sản phẩm tiêu biểu nức tiếng của TP.HCM như khô cá dứa, xoài cát Cần Giờ, mật dừa nước, cà pháo ngâm, rau an toàn... đã được công nhận OCOP và ngày càng được nhiều người biết đến.

Mở rộng phạm vi, lĩnh vực sản phẩm tham gia OCOP

Thông tin về Chương trình OCOP, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 263 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung “tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP”.

Tiếp theo, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919 Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Hiệp, điều này càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Chương trình OCOP.

“Với những kết quả đạt được ban đầu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm, TP.HCM đã tiếp tục ban hành Quyết định số 1943 ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025”, ông Hiệp nói.

TP.HCM nới phạm vi, mở rộng nhóm sản phẩm tham gia OCOP để tìm thêm nhiều đặc sản nức tiếng - Ảnh 1.

Xoài cát Cần Giờ của HTX Cần Giờ Tương Lai, huyện Cần Giờ được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020. Hai nội dung thay đổi đáng chú ý nhất là phạm vi thực hiện chương trình được mở rộng và lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng được mở rộng.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNNPTNT TP.HCM) cho biết nếu như giai đoạn 2019 - 2020, Chương trình OCOP TP.HCM chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 5 huyện xây dựng nông thôn mới Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ thì đến giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đã quyết định mở rộng phạm vi thực hiện chương trình ra 22 quận huyện và TP.Thủ Đức.

Đáng chú ý, các sản phẩm, dịch vụ tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng rộng hơn, tập trung vào 6 nhóm là thực phẩm, đồ uống, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm bán hàng.

Theo bà Mai, sự mở rộng về phạm vi và lĩnh vực sản phẩm sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức tham gia.

Thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM hiện nay không chỉ tập trung ở các huyện nông thôn mới mà TP.Thủ Đức, Bình Tân cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP TP.HCM

UBND TP.HCM vừa có quyết định 2765 kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP TP.HCM. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp là Phó Chủ tịch Hội đồng. Ngoài ra, Hội đồng còn có 9 thành viên là đại diện các sở ngành liên quan Chương trình OCOP.

TP.HCM nới phạm vi, mở rộng nhóm sản phẩm tham gia OCOP để tìm thêm nhiều đặc sản nức tiếng - Ảnh 3.

Từ năm 2023, tại TP.HCM, cấp huyện là nơi lập hội đồng tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Hội đồng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng, trình UBND TP.HCM xem xét, công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và đề nghị UBND TP.HCM trình Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM Hoàng Thị Mai cho biết, tổ chức đánh giá xếp hạng OCOP năm nay cũng có đổi mới khi cấp huyện là nơi lập hội đồng tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Trong khi đó, tại hai kỳ đánh giá năm 2021 và 2022, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên sẽ do hội đồng cấp thành phố đánh giá, xếp hạng.

Theo bà Mai, với sự thay đổi này, trong năm đầu tiên, thành phố sẽ hỗ trợ các quận huyện khi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

TP.HCM cũng khuyến khích các quận huyện tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương tham gia Chương trình OCOP, nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp hiệu quả vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem