TP.HCM: Quá tải đường dây nóng 115, tổng đài 1022, sắp sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo callbot

Bạch Dương Thứ tư, ngày 28/07/2021 19:55 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp chiều 28/7, lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM xác nhận mới chỉ xử lý được hơn 5% số cuộc gọi của người dân đến tổng đài 1022.
Bình luận 0
TP.HCM: Quá tải đường dây nóng 115 và tổng đài 1022 - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng (Ảnh: B.D)

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết: Từ 0h ngày 28/7, tổng đài 1022 nhánh 2 ghi nhận hơn 217.700 cuộc gọi của người dân phản ánh về tình trạng khó khăn do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, mới chỉ có 12.100 cuộc gọi được chuyển đến các đơn vị để giải quyết, chiếm hơn 5% tổng số cuộc gọi. Trong số 12.100 cuộc thì các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện đã tiếp nhận, xử lý khoảng 70% cuộc gọi của người dân tới TP.

"Tuy có bố trí tổng đài viên trực 24/24h nhưng do số lượng người dân gọi đến một lần là quá lớn nên thực tế, có cuộc gọi người dân gọi đến không được tổng đài viên tiếp nhận" - ông Thắng nói.

Để giải quyết, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn bằng các giải pháp như tăng tình nguyện viên trực tổng đài, giới thiệu thêm đường dây nóng cho người dân.

Ngoài ra, sở dự kiến vài ngày nữa sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo callbot, có thể tiếp nhận 3.600 cuộc gọi/giờ.

Về tổng đài 115, ông Thắng thừa nhận có "tình trạng nghẽn mạng" trong khi mục tiêu của thành phố là Trung tâm 115 phải tiếp nhận tất cả các cuộc gọi của người dân.

Trước đây, Trung tâm 115 chỉ có 6 đường truyền, sau đó đã nâng lên 14 đường truyền và số cuộc gọi mỗi ngày tăng từ 1.200 lên 5.000.

TP.HCM: Quá tải đường dây nóng 115 và tổng đài 1022 - Ảnh 3.

Tổng đài 115 luôn bị quá tải (Ảnh: B.D)

Để giải quyết, Trung tâm 115 đã mở tổng đài dã chiến tại Công ty phần mềm Quang Trung để tăng từ 40 đến 100 đường truyền, đồng thời, tăng sinh viên đại học ngành y để tiếp nhận cuộc gọi của người dân.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Sở Thông tin và truyền thông đã xử lý 1 cá nhân đưa thông tin gây hoang mang cho người dân là bà V.H.P (MC Trác Thúy Miêu) với số tiền 7,5 triệu; xử phạt 3 tổ chức đưa thông tin sai sự thật về việc đặt tiêu đề, tít tựa hiểu sai nội dung thông tin, cung cấp chia sẻ thông tin gây hoang mang trong nhân dân và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Sở đã phối hợp với Công an TP khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một đối tượng có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân theo điều 331 Bộ Luật hình sự 2015.

Sở đang tiếp tục kiến nghị xử lý các tài khoản trên mạng xã hội có hành vi đưa thông tin sai sự thật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem