TP.HCM: Ruộng lúa, vườn mai bị bức tử bởi nguồn nước đen "bí hiểm"

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 13/09/2019 13:45 PM (GMT+7)
Nguồn nước đen từ sông chợ Đệm sau khi hủy hoại những ao cá, ruộng lúa tại xã Tân Nhựt (Bình Chánh), giờ xâm nhập sâu vào nội đồng tấn công đồng mai vàng lớn nhất nước tại xã Bình Lợi (Bình Chánh, TP.HCM).
Bình luận 0

Theo Hội Nông dân huyện Bình Chánh, hiện có khoảng 350ha sản xuất lúa, nuôi cá kiểng, cá thịt thuộc xã Bình Lợi, Tân Nhựt gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường từ nguồn nước đen của sông chợ Đệm.

Hết lúa, cá…

Ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch HND huyện Bình Chánh cho biết, nước đen từ sông chợ Đệm theo kênh Đường lớn, kênh Bà Tỵ… vào nội đồng, khu vực nuôi cá, sản xuất lúa của nông dân.

img

Vào mùa vụ sản xuất lúa, nông dân Bình Chánh thiếu nước, nên đành lấy nước đen đưa vào ruộng.

“Nước thải công nghiệp từ huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) xả ra gây ô nhiễm dòng nước sông chợ Đệm. Nước này đi vào nội đồng gây thiệt hại lớn cho nông dân trồng lúa, nuôi cá trên địa bàn”, ông Khánh thông tin.

Được biết, mùa vụ sản xuất lúa, nông dân thiếu nước, nên đành lấy nước đen đưa vào ruộng sản xuất.

“Lúa lúc đạt, lúc không, đáng nói là không ai biết được hạt lúa chứa những chất ô nhiễm gì”, một nông dân tại ấp 3 (Tân Nhựt) thổ lộ.

Trong khi đó, nhiều hộ nuôi cá phải “treo” ao vì nước đen. Một hộ nuôi cá thịt tại ấp 3 (Tân Nhựt) cho biết, so với cách đây 3 năm giờ diện tích nuôi cá giảm 2/3.

Ông Khánh trước đây nuôi 4.000m2 ao cá thịt, nhưng giờ chỉ còn nuôi cầm chừng. “Đang nuôi cá mà lỡ lấy nhầm phải nước đen hoặc để nước đen tràn vào ao là cá chết sạch. Trước đây, ấp này rất nhiều bà con nông dân nuôi cá thịt, như: Cá tra, rô phi, lóc… thu hoạch mỗi lần ít cũng chục tấn, nhưng giờ chỉ thả giống nuôi cầm chừng”, ông Khánh chia sẻ.

Vài ba năm trước, lão nông Lê Văn Sự (ấp 3, Tân Nhựt) thuê kobe đào 4.000m2 đất lúa thành ao nuôi cá. Với 4 công mặt nước nuôi cá, cụ kiếm mỗi năm hơn chục tấn cá tra, phi, mè…Tính ra lời khoảng 100 triệu đồng/năm.

img

Lão nông Lê Văn Sự (ấp 3, Tân Nhựt) cho đàn cá ăn.

Giờ sau những vụ cá mất trắng vì nước đen, ông ngao ngán: “Trồng lúa thu nhập không tốt mới chuyển sang nuôi cá, nhưng chỉ được vài ba vụ có ăn, giờ lại khốn khó. Hiện, dưới ao chỉ còn ít cá nuôi để kiếm gạo qua ngày”.

Đến mai vàng…                      

Hiện, mối nguy nước đen đã uy hiếp khu hơn 340ha mai vàng tại ấp 3, 4 (xã Bình Lợi)- đây là cánh đồng mai vàng lớn nhất nước hiện nay.

Theo ông Trương Thái Ngọc-Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, đồng mai vàng này mỗi năm đem lại nguồn lợi thu nhập cho bà con trồng mai hàng trăm tỷ đồng.

Hiện, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đang thực hiện mô hình trồng mai vàng và xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh giá trị cho loại cây kiểng này.

Anh Nguyễn Thanh Sơn - một nông dân đang trồng 5ha mai vàng tại đây cho biết, nước ô nhiễm đã vào tận những con kênh nội đồng trong khu vực trồng mai.

“Khi cần nếu không có nước sạch thì nông dân vẫn phải lấy nước đen tưới mai. Gặp phải nước này, mai không chết, nhưng kém sung và đôi khi rụng lá. Một số nông dân trồng mai vàng đã nghĩ đến chuyện khoang giếng lấy nước tưới mai.  Tuy nhiên, nếu làm vậy sẽ phát sinh chi phí lớn”, anh Sơn thổ lộ.

img

Nước đen từ chợ Đệm theo kênh nội đồng vào uy hiệp đồng mai vàng. 

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho biết, tình hình nước ô nhiễm từ sông chợ Đệm gây phương hại đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xả ra vài năm nay. Nhiều bà con đã ánh việc này.

“Huyện đã có ý kiến và kiến nghị với TP, nhất là Sở TN-MT TP, tìm hướng khắc phục, giải quyết để bà con nông dân yên tâm sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ. Sắp tới, ngành TN-MT sẽ tăng cường lắp đặt thiết bị quan trắc nước để cảnh báo bà con nông dân khi lấy nước sản xuất”, ông Phụng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem