TP.HCM sau hai tháng chính thức triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Quang Phương Thứ năm, ngày 02/09/2021 09:30 AM (GMT+7)
Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM đã chính thức được thực hiện từ 1/7/2021. TP.HCM không còn HĐND quận, phường. Công chức tư pháp - hộ tịch được Chủ tịch phường ủy quyền ký chứng thực - sao y. Nhiều nội dung công tác khác cũng đã có sự thay đổi nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bình luận 0

Tiết kiệm 1.200 tỷ đồng 

Cho đến nay, 2 tháng đã trôi qua kể từ khi TP.HCM chính thức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 ngày 16/11/2020 của Quốc hội. 

Để cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Điểm nhấn trong Nghị quyết 131, Nghị định 33 là tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển TP.HCM; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị; tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.

TP.HCM sau hai tháng chính thức triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 1.

Trụ sở UBND TP.Thủ Đức. Đây là thành phố được xây dựng theo mô hình chính quyền đô thị: thành phố thuộc thành phố. Ảnh CTV.

Quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao. Bộ máy, cơ cấu tổ chức của quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương.

Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị ở TP.HCM là không tổ chức HĐND quận, phường. 

Từ nhiệm kỳ 2021 - 2026, TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn UBND. Các Văn phòng HĐND - UBND quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND kể từ hôm nay 1/7.

Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường; đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Hiện tại, các nhân sự dôi dư đều đã được bố trí công tác khác phù hợp chuyên môn và nguyện vọng.

Hoàn thành công tác nhân sự tại 16 quận

Một trong số những nội dung chính và mới rất quan trọng liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TP.HCM.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TP.HCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.

Theo đó, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TP.HCM, do quận, thành phố quản lý, sử dụng. 

Các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TP.HCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.

TP.HCM sau hai tháng chính thức triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 3.

Người dân tham gia thay đổi giấy tờ do liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính khi sát nhập một số địa phương theo mô hình chính quyền đô thị. Trong ảnh, người dân làm các thủ tục thay đổi giấy tờ tại Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM. Ảnh: Quang Phương

Được biết, cho đến nay, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn TP.HCM, gồm 14 Chủ tịch UBND quận và 47 Phó Chủ tịch UBND quận. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7.

Cũng theo Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 131, để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ…

Để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường.

TP.HCM sau hai tháng chính thức triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 4.

Người dân làm lại căn cước công dân theo mẫu mới có gắn chíp điện tử trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quang Phương.

Khi không còn HĐND quận, phường, hằng năm trước kỳ họp thường kỳ của HĐND TP.HCM, chủ tịch quận, chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở quận, phường về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công dân trên địa bàn quận.

Kết quả hội nghị đối thoại giữa chủ tịch quận với nhân dân phải được gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND ở quận trước 7 ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của HĐND TP.HCM. 

Chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp trên. Việc này thể hiện tính công khai minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem