TP.HCM: “Siêu âm” để xử lý cây xanh sâu bệnh, nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 03/06/2022 07:18 AM (GMT+7)
Lâu nay, việc kiểm tra cây xanh bằng mắt thường nên khó tìm ra chính xác mức độ hư hại của cây xanh, khiến gia tăng nguy cơ cây bị ngã đổ, đe dọa sức khỏe, tài sản của người dân trong mùa mưa bão. Vì vậy, sắp tới TP.HCM sẽ thực hiện biện pháp "siêu âm" để… bắt bệnh cho cây…
Bình luận 0
TP.HCM: “Siêu âm” để xử lý cây xanh sâu bệnh, nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão - Ảnh 1.

Công nhân xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên đường 3/2 (Q.10, TP.HCM). Ảnh: Quốc Hải

"Siêu âm" để xử lý cây xanh sâu bệnh, nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão

Thông tin này được ông Lê Quang Đạo, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP.HCM "bật mí" tại buổi họp báo về tình hình kinh tế  - xã hội 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 6.

Tại buổi họp báo, ông Lê Quang Đạo cho biết, với tình trạng cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan coi việc chăm sóc, duy tu cây xanh là công tác thường xuyên của ngành, hằng năm đều có rút kinh nghiệm.

Từ đầu năm 2022, Sở đã tổ chức thực hiện các công tác nhằm làm giảm thiểu các rủi ro, cây ngã đổ, cụ thể như: Chỉ đạo tất cả đơn vị, trong đó có Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (đơn vị được giao quản lý cây xanh trên địa bàn TP) đốn hạ cây sâu bệnh, già cỗi, cắt tỉa ngọn để hạn chế mức thấp nhất việc gãy nhánh, ngã cây khi có giông gió lớn, mưa bão.

Hoạt động trên được tập trung vào các tuyến đường có cây ngã đổ cao, các tuyến đường có công trình thi công có thể tác động đến sinh trưởng của cây. Đặc biệt, các tuyến đường có cây cổ thụ kích thước lớn nguy cơ ngã đổ cao luôn được chú trọng kiểm tra.

Cụ thể, trong thời gian vừa qua, đơn vị này đã kiểm tra khoảng 120.000 cây xanh, hạ thấp chiều cao của cây trên 95 tuyến đường, xử lý gần 1.000 cây bị khiếm khuyết.

Tuy nhiên, theo ông Quang Đạo, việc kiểm tra bằng mắt thường, xử lý thủ công rất khó để phát hiện được tình trạng mục rỗng hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến sinh trưởng khiến cây có nguy cơ ngã đổ khi gặp gió lớn.

Hạn chế trên khiến các giải pháp ngăn chặn, xử lý nguy cơ không triệt để nên nguy cơ cây ngã đổ luôn tiềm ẩn.

TP.HCM: “Siêu âm” để xử lý cây xanh sâu bệnh, nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão - Ảnh 3.

Những cành cây có nguy cơ gãy được cắt tỉa... Ảnh: Quốc Hải

Để khắc phục tình trạng trên, ông Quang Đạo cho biết, Sở Xây dựng thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều phương án chăm sóc và xử lý tốt nhất cho hệ thống cây xanh đô thị. Theo đó, sắp tới thành phố sẽ thực hiện phương pháp siêu âm cho cây xanh để chẩn đoán sớm những vấn đề cây đang gặp phải và có phương án xử lý an toàn.

Bên cạnh đó, về nhiệm vụ lâu dài, trong đề án phát triển cây xanh trong giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND TP.HCM thông qua, có nhiệm vụ nghiên cứu các chủng loại cây phù hợp với yếu tố thiên nhiên, khí hậu của TP, tránh những loại cây không phù hợp trồng trong đô thị.

Trước đó, chiều 28/5, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến một cây xanh cao khoảng 10m trước số nhà 69 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) bật gốc, ngã ra đường, đè lên nắp capô xe hơi đang đậu bên đường. Hậu quả làm xe bị hư hỏng, các xe cộ khác cũng không thể qua lại do cây đổ chắn ngang.

Trong cơn mưa giông và gió mạnh chiều tối 27/5, một cây cao ven đường Hai Bà Trưng (đoạn giao đường Lê Thánh Tôn, quận 1) bật gốc đè một chiếc ô tô đang di chuyển. 

Một nhánh cây lớn trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đã gãy rơi xuống chắn ngang đường trong cơn mưa lớn tối 26/5…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem