Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM vượt con số 10.000 với 567 ổ dịch

Bạch Dương Thứ ba, ngày 31/05/2022 15:16 PM (GMT+7)
Ngày 31/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Bình luận 0
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết vượt con số 10.000 với 567 ổ dịch - Ảnh 1.

Một khu vực sốt xuất huyết tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Ảnh: P.V

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 (6.867 ca); trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến 26/5), thành phố ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Cũng theo HCDC, trong tuần 21, toàn thành phố ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, TP.Thủ Đức. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 21 lên đến 567 ổ dịch.

Ghi nhận thực tế cho thấy số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP.Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (quận 8); xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh); phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân); xã Tân An Hội (huyện Củ Chi); phường Tây Thạnh (quận Tân Phú).

Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa cứu sống một bệnh nhi tái mắc sốt xuất huyết rất nặng. Bé gái L.V (7 tuổi tên L.V, sống ở Cà Mau) sốt cao liên tục 4 ngày. Ngày thứ 5, V. nôn ói nhiều nên nhập Trung tâm y tế địa phương. Tại đây, bệnh nhi được truyền dịch, xét nghiệm cho thấy men gan bình thường.

Tuy nhiên, bé vẫn sốt, buồn ói, đừ nhiều nên gia đình chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vào ngày 19/5. Xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao hơn 10 lần so với bình thường. Bé có tiền căn mắc bệnh thiếu máu tán huyết (Thalassemia) và từng bị sốt xuất huyết cách đây 4 năm.

Sau khi nhập viện 12 giờ, tình trạng tri giác của V. xấu dần, hôn mê, vàng da niêm nhiều. Đáng lo ngại, chức năng gan giảm, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần so với bình thường, rối loạn đông máu nặng. Ngay lập tức, bé được đặt nội khí quản giúp thở và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, V. tiếp tục được hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị suy gan cấp nặng, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu.

Song song đó, các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân gây tổn thương gan như sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, viêm gan tự miễn, ngộ độc thuốc và bệnh chuyển hóa…

Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi vẫn mê sâu, suy gan nặng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục cho bé để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu.

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết vượt con số 10.000 với 567 ổ dịch - Ảnh 3.

Bệnh nhi sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Quyết định này có kết quả bất ngờ sau đó, tổn thương gan đã dừng lại và chức năng gan cải thiện dần. Kết quả xét nghiệm xác nhận nguyên nhân của tình trạng trên là sốt xuất huyết Dengue. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi tiến triển tốt, được ngưng lọc máu và cai máy thở. Bé được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết vào ngày 28/5 tiếp tục theo dõi.

PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo, nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng đã nhập viện vì trụy tim mạch, suy đa tạng. Trong đó, suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong.

"Phụ huynh phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trẻ sốt từ 2-3 ngày trở lên phải được đến khám tại cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời", ông nói.

Ở bệnh tay chân miệng, trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 3.699 trường hợp, với 96% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Trong tuần 21, thành phố ghi nhận thêm 1.070 ca, tăng 481 ca (81,7%) so với trung bình 4 tuần trước đó.

Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 4, phường 5 (quận 8), xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phường An Lạc (quận Bình Tân), Thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), phường 11 (quận Tân Bình).

Cũng trong tuần 21, toàn thành phố ghi nhận 10 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 5 quận huyện (quận 3, 7, 12, Bình Chánh, Bình Tân). Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 21 là 40 ổ dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem