TP.HCM: Tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ

Quang Sung Chủ nhật, ngày 27/11/2022 16:08 PM (GMT+7)
Trong kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.
Bình luận 0

Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chỉ đạo cụ thể. Trong đó, công tác tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ được thành phố quan tâm nhấn mạnh.

Đối với công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, UBND TP.HCM yêu cầu cần quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất. Trong đó bao gồm: quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản... Nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ cần đặc biệt quan tâm về công tác quản lý, trong đó gồm: nước tưới cho cây trồng, nước dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

TP.HCM: Tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1.

Trồng rau theo hướng nông nghiệp hữu cơ, HTX rau sạch Hải Nông (huyện Củ Chi, TP.HCM) sử dụng phân hữu cơ tự ủ bón cho rau xanh. Ảnh: Quang Sung

Đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận và có nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, logo sản phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã chứng nhận.

Trong kế hoạch đã ban hành, UBND TP.HCM nhấn mạnh trong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ cần có công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định. Đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời kết hợp thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ từ từng công đoạn như sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Mục tiêu chung của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn TP.HCM nhằm "nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, sẽ xác định được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của thành phố. Diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 50 - 60 ha, tổng đàn heo hữu cơ đạt 1.800 - 2.000 con, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 10 - 15 ha. Trong đó hình thành 2 - 3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Dự kiến đến năm 2030, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 60 - 80 ha, tổng đàn heo hữu cơ đạt 2.000 - 2.500 con, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 15 - 20 ha. Trong đó, hình thành 4 - 5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem