Sau 5 ngày thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, Phó Bí thư thường trực TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, chưa đủ thời gian để có thể khẳng định TP.HCM đã đạt đỉnh dịch hay chưa.
Lãnh đạo thành phố cũng đã tính đến 3 phương án có thể xảy ra sau 15 ngày giãn cách.
Phương án thứ nhất, thành phố kiểm soát và chặn được Covid-19, khi đó có thể sẽ xem xét áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19, hoặc biện pháp "Chỉ thị 16-".
Phương án thứ hai, TP.HCM chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một thời gian nữa.
Phương án thứ ba, tình huống xấu nhất, dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Lúc này TP.HCM phải tính đến các phương án, trong đó có phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải sử dụng thêm những biện pháp khác.
"Dù tình huống nào, việc ngăn chặn được dịch lúc này vẫn là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của từng người dân, từng gia đình, khu dân cư, doanh nghiệp trong những ngày tới", ông Mãi nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh, Chỉ thị 16 không phải là "giải pháp vàng, cứ giãn cách là dịch bệnh giảm" mà đây chỉ là môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.
Theo ông Hưng, TP.HCM hiện còn 10 ngày giãn cách xã hội, ngành y tế thành phố phải cật lực thực hiện các biện pháp chống dịch. Trong đó, nhiệm vụ lớn nhất là bóc tách các mầm bệnh đang ở cộng đồng, lọc F1, F2 để truy vết, không chỉ ở khu phong toả mà còn ở các khu trọng điểm.
Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục tầm soát, xét nghiệm ở các khu phong toả, ổ dịch và các vùng ven. Việc lấy mẫu cần tầm soát diện rộng nhưng không phải là lấy cho đủ số lượng mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng là lý do khiến số ca bệnh trong mấy ngày gần đây tăng cao do tăng cường truy vết, xét nghiệm.
"Nếu chúng ta làm quyết liệt cùng với sự hợp tác của người dân, thời gian giãn cách xã hội này sẽ góp phần giải quyết tình hình hiện nay", ông Hưng nói.
Tính đến tối 13/7, TP.HCM có tổng cộng 16.573 ca mắc Covid-19. Hiện, TP.HCM có 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường, đang cách ly 7.977 người.
Tối 13/7, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghệ cao, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức.
UBND TP.HCM chỉ đạo: Cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi đảm bảo một trong 2 trường hợp. Thứ nhất là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất – ăn và nghĩ ngơi tại chỗ. Thứ hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": Chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất, thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho công nhân, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động, thời gian dừng từ 0h ngày 15/7.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.