TP.HCM: Trung tâm thương mại "đắp chiếu", doanh nghiệp chuyển hướng làm văn phòng cho thuê

Gia Linh Thứ ba, ngày 01/08/2023 10:42 AM (GMT+7)
Thời gian qua, làn sóng trả mặt bằng cho thuê lan rộng tại TP.HCM và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để ứng phó, nhiều chủ dự án đã tìm cách chuyển đổi công năng các trung tâm thương mại thành tòa nhà văn phòng cho thuê.
Bình luận 0

Khách thuê trung tâm thương mại tháo chạy, tìm cách trả mặt bằng

Ghi nhận của Dân Việt, hàng loạt cửa hàng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, thậm chí cả trung tâm thương mại tại TP.HCM thời gian qua phải đóng cửa, trả mặt bằng vì sức mua yếu.

Đặc biệt, tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM, các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) vốn nổi tiếng vì độ sầm uất, nhộn nhịp của các trung tâm thương mai nay cũng rơi vào cảnh ảm đạm, đìu hiu.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý II/2023, mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM có lượng tiêu thụ giảm 7.000m2, thấp nhất kể từ quý IV/2022. Đáng chú ý, trước làn sóng tháo chạy của nhiều khách thuê trả mặt bằng, các chủ dự án đã chuyển đổi công năng từ trung tâm thương mại thành tòa nhà văn phòng cho thuê.

TP.HCM: Trung tâm thương mại "đắp chiếu", doanh nghiệp chuyển hướng làm văn phòng cho thuê - Ảnh 1.

Nhiều chủ đầu tư tìm cách chuyển đổi trung tâm thương mại thành văn phòng cho thuê. Ảnh: Gia Linh

Ngoài trung tâm thương mại thì nhiều chung cư, khối đế thương mại tại TP.HCM cũng đang được chủ đầu tư "hô biến" thành văn phòng cho thuê để tìm khách. Đơn cử, sau khu thương hiệu Miniso trả mặt bằng, dự án Thảo Điền Pearl (Thảo Điền, TP.Thủ Đức) ghi nhận giảm 3.000 m2 diện tích sàn tiêu thụ và chủ nhà quyết định chuyển đổi diện tích cho thuê bán lẻ sang cho thuê văn phòng.

Không chỉ Thảo Điền Pearl, một số những dự án với quy mô nhỏ dưới 10.000m tại các khu vực ngoại thành đã phải chuyển đổi công năng từ mặt bằng bán lẻ hiện đại sang văn phòng hoặc co-working space (văn phòng làm việc chung).

Theo đó, chung cư Flora Novia (phường Linh Tây, TP.Thủ Đức) cũng biến một phần không gian phần khối đế từ mặt bằng bán lẻ sang văn phòng cho thuê. Hiện tại, một số công ty, ngân hàng đang đặt văn phòng làm việc tại đây.

TP.HCM: Trung tâm thương mại "đắp chiếu", doanh nghiệp chuyển hướng làm văn phòng cho thuê - Ảnh 2.

Việc chuyển hướng làm văn phòng cho thuê được đánh giá là có tác dụng chống lãng phí. Ảnh: Gia Linh

Bên cạnh đó, một số chung cư của Novaland, Hưng Thịnh... cũng tiến hành chuyển đổi phần khối đế, tầng thương mại sang văn phòng cho thuê để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Chuyển đổi công năng trung tâm thương mại để kinh doanh hiệu quả

Ông Nguyễn Trực - giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản tại TP.HCM cho rằng việc chuyển đổi từ trung tâm thương mại sang văn phòng cho thuê là hợp lý, tránh tình trạng mặt bằng bị bỏ trống vì ế khách.

"Dù sao thì việc chuyển đổi cũng cũng đúng với công năng và phù hợp trong các kết cấu xây dựng. Việc các văn phòng cho thuê hoạt động sẽ giúp cho khối đế thương mại của tòa nhà sầm uất hơn, tăng giá trị của chung cư và căn hộ. Người dân cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi", ông Trực cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Trực, việc trung tâm thương mại không có người thuê, sẽ khiến bộ mặt của chung cư xuống dốc, nhìn vào thấy không có sinh khí. Hiện tại, bên ngoài đã có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng trung tâm thương mại lớn, siêu thị, chợ... nên nếu trung tâm thương mại lớn nằm ở trong chung cư cũng chỉ khai thác được 1 phần nhỏ lượng khách căn hộ. Nếu chuyển đổi thành cho thuê văn phòng thì sẽ hợp lý hơn, ít diện tích bị bỏ hoang hơn.

TP.HCM: Trung tâm thương mại "đắp chiếu", doanh nghiệp chuyển hướng làm văn phòng cho thuê - Ảnh 3.

Một chung cư có phần diện tích khối đế thương mại lớn tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Trong khi đó, bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills TP.HCM đánh giá xu hướng này đã chỉ ra một thực tế mà nhiều dự án bán lẻ cho thuê đang gặp phải hiện nay.

"Những dự án có quy mô nhỏ thường khá vất vả trong việc thu hút được khách thuê đa dạng cũng như có thể duy trì được lượng khách thuê. Đa số các dự án này nằm trong các khu vực dân cư mới xa trung tâm với mô hình kinh doanh gói gọn trong một số dịch vụ như F&B, cửa hàng tiện lợi, chăm sóc tóc…

Đây là những khách thuê thường không có khả năng chi trả giá thuê cao. Do đó, những mô hình này đa số không hiệu quả về mặt tài chính dành cho chủ đầu tư. Chính vì vậy, họ có xu hướng chuyển đổi công năng của các dự án này sang những loại hình hiệu quả hơn về mặt thương mại", vị chuyên gia Savills phân tích.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý bộ phận cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam trong mắt các khách thuê nước ngoài là khan hiếm các mặt bằng chất lượng. Việt Nam thường xuyên bị so sánh với các thị trường lân cận đã phát triển lâu năm như Thái Lan, Malaysia, nơi có rất nhiều mặt bằng lớn, rộng rãi và hàng loạt dự án trung tâm thương mại bề thế.

Điển hình tại TP.HCM, mặt bằng bán lẻ ở quận trung tâm luôn bị săn đón bởi các thương hiệu lớn quốc tế mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu này thường có yêu cầu kỹ lưỡng về địa điểm nhằm đảm bảo tiếp cận được nhiều khách hàng, khả năng hiện diện thương hiệu ấn tượng ở mặt phố hoặc trung tâm thương mại nổi tiếng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem