TP.HCM: Vì sao gần 16.000 giáo viên mầm non, bảo mẫu không được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 18/08/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ngày 18/8, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu UBND TP đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đồng thời, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bình luận 0
TP.HCM: Vì sao gần 16.000 giáo viên mầm non, bảo mẫu không được nhận hỗ trợ Covid-19? - Ảnh 1.

Người lao động nhận tiền hỗ trợ Covid-19.

"Chúng ta tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là chúng ta tìm các biện pháp làm tốt hơn trong việc quản lý trên địa bàn và thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục lưu ý đến giá cả thực phẩm, dịch vụ cung ứng để chia sẻ với người dân trong điều kiện khó khăn", Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM đã có báo cáo mới nhất về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo đó, tính đến ngày 17/8, TP.HCM đã giải quyết cho 545.167 đối tượng của 4.739 đơn vị với số tiền hơn 596 tỷ đồng. Cụ thể, TP hỗ trợ cho cho 57.974 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương ngừng việc, hoãn việc của 1.962 doanh nghiệp với số tiền hơn 59 tỷ đồng.

Trong đó, giải quyết theo Nghị quyết số 02 của HĐND TP (1 triệu đồng/người/tháng) cho 56.064 người của 1.887 doanh nghiệp với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Giải quyết theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ (1,8 triệu đồng/người/tháng) cho 1.910 người của 75 doanh nghiệp với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho 13.095 người của 1.433 cơ sở mầm non là giáo viên, nhân viên trong các cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết số 02 của HĐND TP 1 triệu đồng/người/tháng với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Đồng thời, TP cũng hỗ trợ từ 250.000 - 500.000 đồng cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của TP; người bán lẻ xổ số lưu động, người bán hàng rong buôn bán nhỏ và không có địa điểm cố định; người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển…

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, qua ghi nhận tại TP.HCM, nhiều người lao động tự do ngoài 6 ngành nghề, công việc được hỗ trợ (theo Quyết định 15/2020 của Thủ tướng) cũng bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, TPHCM có khoảng 89.300 lao động tự do thuộc các nhóm ngành nghề, với khoảng 280 tên gọi công việc khác nhau, bị mất việc do Covid-19. Do đó, Sở đề xuất hỗ trợ những người này với mức 1 triệu đồng/người/tháng. UBND TP đang xem xét đề xuất này.

Trước phản ánh nhiều người lao động tạm trú tại TP.HCM để nhận được hỗ trợ, họ phải về quê làm giấy xác nhận, đi lại tốn kém, thậm chí một số trường hợp không được hỗ trợ, ông Tấn cho biết, nhiều người đã hiểu nhầm. Người lao động không nhất thiết phải về quê để xác nhận, họ có thể gửi giấy xác nhận về quê, nhờ người thân lấy dấu xác nhận là được. Ngoài ra, một số người dù ở TP.HCM nhiều năm, nhưng không nhận được hỗ trợ, vì họ ở mà không đăng ký tạm trú theo quy định.

Sở LĐTBXH đã xác định 2 phương án. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, dự kiến có khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và có khoảng 100.000 - 120.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc. Nếu dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến có khoảng 4.800 - 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 160.000 - 180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.

Sở đang phối hợp với các sở, ngành chủ động có phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cho nhiều người lao động thôi việc, đồng thời, tổ chức sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho công nhân. Khi vay ở ngân hàng chính sách xã hội, với mỗi công nhân, doanh nghiệp sẽ được vay 50% mức lương tối thiểu vùng (ở TP.HCM là 4,42 triệu đồng/tháng) và không hạn chế số lượng công nhân. 

Sở cũng đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị bộ, ngành Trung ương không yêu cầu doanh nghiệp vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội phải chứng minh tài chính. Thay vào đó là tính mức sụt giảm. Nếu sụt giảm khoảng 20%-30%, doanh thu của quý đó so với quý 4/2019, thì có thể được hỗ trợ.

Mặc dù, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 541.100 người nhưng vẫn có 15.800 giáo viên mầm non, bảo mẫu không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Theo ông Tấn, những trường hợp này không đóng BHXH nên không được hỗ trợ. Theo quy định, giáo viên mầm non, bảo mẫu có giao kết hợp đồng lao động thì phải tham gia BHXH bắt buộc. 

Từ thực tế này cũng cho thấy còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa làm tròn trách nhiệm với người lao động. Do đó, sở phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các cơ sở giáo dục mầm non tuân thủ pháp luật, tham gia BHXH đầy đủ cho các giáo viên, bảo mẫu. Việc này còn nhằm bảo đảm quyền lợi cho giáo viên mầm non, bảo mẫu.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android/Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem