TP.HCM: Xử lý thế nào vụ nhiều giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả

Đình Việt Thứ bảy, ngày 07/03/2020 18:10 PM (GMT+7)
Luật sư đã đưa ra quan điểm pháp lý về vụ việc phát hiện 54/68 giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Bình luận 0

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận, đơn vị vừa có kết luận nội dung hai đơn tố cáo về công tác đào tạo lái xe tại TP.HCM.

Theo đó, đơn vị này kết luận, nội dung tố cáo “dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của 68 giáo viên cùng 4 trường dạy lái xe tại TP.HCM là đúng một phần.

img

Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát hiện nhiều giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. 

Qua xác minh, có 54/68 GV sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp (giả), chỉ có 14/68 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ hợp pháp. Các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân giáo viên dạy thực hành tự mua qua mạng, nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, gần đây ở nhiều địa phương liên tục xuất hiện các vụ việc cá nhân sử dụng chứng chỉ, văn bằng giả trong ngành giáo dục, trong số đó đa phần là những người có nhu cầu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm.

Chính vì nhu cầu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả không hề nhỏ mà trên mạng xã hội, có những website công khai quảng cáo nhận làm văn bằng, chứng chỉ giả. Và người có nhu cầu có thể dễ dàng mua qua mạng.

Theo quy định pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng chứng chỉ, tài liệu và giấy tờ giả mà người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường viện dẫn Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ.

Cụ thể: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Còn Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng…

Từ những phân tích trên, luật sư Cường cho rằng, đối với các trường hợp giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nêu trên, trước tiên cần đình chỉ công tác những người vi phạm, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh, điều tra, trưng cầu giám định; lấy lời khai của các bên liên quan về người bán văn bằng, chứng chỉ này và cách thức mua bán đồng thời thu thập các tài liệu chứng cứ có liên quan để mở rộng điều tra, xử lý thêm các đối tượng làm giả văn bằng, chứng chỉ.

Ở một diễn biến liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT TP.HCM tổ chức họp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, và cấp giấy phép lái xe.

Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT  lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở đào tạo lái xe nêu trên vì đã có hành vi “bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy” theo quy định và đình chỉ tuyển sinh từ 1-3 tháng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe tại các cơ sở đào tạo lái xe có trong đơn tố cáo.

Đối với các trường hợp mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, đề nghị chuyển cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem