Trả hội... cho Làng!

Thứ bảy, ngày 08/02/2014 07:55 AM (GMT+7)
“Chiêng làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, câu ca ấy đã đúc kết tính riêng biệt của hội làng.
Bình luận 0
Khó hình dung ra một ngôi làng mà không có hội và cũng khó mà chấp nhận cái cảnh lễ hội bị nhất thể hóa, đơn điệu hóa, trần tục hóa thời nay. Hãy trả lễ hội về cho làng.

Cháu tôi là một người Việt xa xứ, lấy chồng sang Berlin (Đức) đã gần 20 năm nay, độ năm hết tết đến nào cũng gửi “meo” cho tôi hỏi thăm làng La Khê xứ Đoài quê cháu năm nay lễ hội thế nào.

Làng La Khê thuộc xã Văn Khê, thành phố Hà Đông, nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là một vùng đất cổ thuộc nước Văn Lang xưa. Hội vui nổi tiếng đã đi vào ca dao: “Bơi Ðăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thời vui vậy, chẳng tầy rã La” bởi đêm rã đám làng có tục tắt đèn để nam thanh nữ tú tha hồ “tình tự”.

  Hội làng - màu nước
Hội làng - màu nước
Cái tín ngưỡng phồn thực của dân gian từ thuở sơ khai mà lại vô cùng minh triết, vạn vật trong trời đất, nếu không có sự kết trái đơm bông thì làm sao sự sống được tiếp nối sinh sôi. Vì thế mà nhiều hội làng nhất thiết không thể thiếu cái phần “tháo khoán” quan trọng kia.

Nhưng bây giờ không còn nhiều hội làng giữ được cái nét tình tứ cao siêu đó nữa, hãy nhìn mà xem, khắp nơi từ Đông sang Đoài, từ Bắc chí Nam, cứ có lễ hội là nhất loạt giống nhau, xanh đỏ phấp phới, loa đài ậm ọe, lãnh đạo địa phương lên đọc báo cáo hàng tràng dài, vài ba màn văn nghệ múa may như văn công huyện, trẻ con người lớn chúi mũi vào trò chơi ăn tiền trong tiếng loa thùng phát nhạc tân thời oang oang như xé vải, thế là xong.

Hội mà thế a? Càng nghĩ càng buồn. Tôi chả dám gửi thư cho cháu than phiền, đành để cho cháu tôi nuôi mãi trong tâm trí những hình ảnh đẹp về hội làng xưa.

Càng nghĩ càng thấy lạ, thời này có bát ăn bát để, nô nức tàu xe, lễ lạt cứ có tiền hô thứ gì có thứ ấy thì lễ hội sao lại mất hết nét duyên, lại trơ trẽn như cô gái quê ra tỉnh học đòi làm vậy. Cái quãng đứt gãy vài bốn thập kỷ vì chiến tranh tao loạn, hệ quả cái thời “bài phong phản đế” đã làm rỗng toang hết cả lòng người, tan tác hết cả đình đền miếu mạo, chiều dày văn hóa bao đời đúc kết gần như trở về không.

Bởi lễ hội là gắn với tín ngưỡng dân gian, do vậy nó thuộc về đời sống tâm linh, nó mang tính thiêng liêng. Tất nhiên, tính thiêng là cái vĩnh hằng, nhưng trong mỗi xã hội nó được biểu hiện ở những hình thức khác nhau. Lễ hội cổ truyền tuy nảy mầm, bén rễ từ đời sống hiện thực, trần tục, nhưng bản thân nó là sự “thăng hoa” từ đời sống hiện thực và trần tục ấy. “Ngôn ngữ” biểu hiện của lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng.

Thí dụ, ba trận đánh giặc Ân của Ông Gióng trong Hội Gióng là ba trận đánh mang tính biểu trưng. Giặc Ân cũng biểu trưng hóa thành yếu tố âm của 16 cô gái. Ðể nói vận hành của trời đất liên quan đến canh tác nông nghiệp của người nông dân, thì trong hội vật cầu hay hội đánh phết, người xưa đã biểu trưng hóa quả cầu hay quả phết màu đỏ biểu tượng cho mặt trời, được đánh theo hướng đông sang tây là chuyển động của mặt trời... Thế nhưng tính biểu tượng ấy ai còn hiểu được nữa đâu, cứ phơi phới nếp sống mới đời sống mới, thành hỏng hết cả, rồi ra một lớp hậu sinh nông cạn nhạt nhòa.

Tôi vẫn mơ những mùa hội làng dịu dàng áo mớ ba mớ bảy, “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” như trong thơ Hoàng Cầm để người cùng người đi trẩy hội non sông, “cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Không biết đã bao nhiêu lần chúng tôi hô hào phải trả lễ hội về cho cộng đồng, tức là trả hội về cho làng đấy, mà xem ra cũng chả có ai quan tâm đoái hoài. Trả hội cho làng không phải là “ông Nhà nước” phủi tay đứng nhìn, vẫn phải can dự những phần an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nhưng đừng có sấn sổ vào sắm vai chủ lễ chủ tế.

Trả hội cho làng nhưng không phải đẩy ra giữa làng giữa chợ như kiểu các cụ bà nói dỗi “Ai giỏi giang ra đấy mà làm”. Không, các nhà chức trách phải biết đi vào lòng dân, tìm ra các cụ cao niên còn giữ được lề lối phép tắc, trân trọng mời các cụ ra chỉ bảo con cháu, kết nối với thế hệ trẻ hôm nay để giúp chúng góp tay mà gìn giữ lấy cái văn hóa cha ông. Có làm được như thế mới là hết phần trách nhiệm. Tiếc là điều ấy chả mấy ai để tâm dụng công.

Chúng tôi may mắn được đi đó đi đây, tham dự đủ các lễ hội phương Đông phương Tây, càng đi càng thấy thương cho nước mình. Gia tài các cụ để lại phong lưu nào có kém gì ai, mà sao đến giờ rơi rụng tứ tán hết, con cháu nghèo lại hoàn nghèo. Cái nghèo tiền nghèo bạc trong một vài thập niên nào phải đáng lo, cái nghèo văn hóa mới là cái nghèo đáng tủi, vì biết lấy gì mà phô phang với thiên hạ.

Thiên hạ tinh tường lắm, họ nhìn anh không phải bằng cái bộ áo quần đắt tiền anh khoác lên người để đánh giá đẳng cấp, họ đánh giá bằng lời ăn tiếng nói, lối khu xử đãi đằng với nhau có văn hóa, có thủy có chung, càng khiêm cung lại càng toát lên vẻ kiêu hãnh. Những thứ ấy phải là gia sản ông cha tầng tầng lưu lại chứ một đời nào làm nên được, của nả có muôn bạc vạn vàng cũng chẳng mua ra.
TS Đức Thịnh (TS Đức Thịnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem