Trách nhiệm hình sự vụ 2 cán bộ Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham ô 86 tỷ đồng
Trách nhiệm hình sự vụ 2 cán bộ Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham ô 86 tỷ đồng
Q.Trung
Thứ sáu, ngày 10/02/2023 15:13 PM (GMT+7)
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Hoàng và thủ quỹ của Đại học Bách khoa Đà Nẵng bị cáo buộc thông đồng rút hơn 86 tỷ đồng từ tài khoản của nhà trường. Luật sư cho biết, nếu bị chứng minh có tội, 2 người này có thể đối mặt mức phạt rất nặng.
Tối 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Quang Huy (34 tuổi, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính) và bà Lâm Thị Hồng Tâm (50 tuổi, Thủ quỹ) của Đại học Bách khoa Đà Nẵng về tội Tham ô tài sản.
Kết quả điều tra xác định, đầu năm 2021, bà Tâm nhờ Huy lấy 500 triệu đồng từ quỹ của trường để giải quyết việc cá nhân. Huy đã đồng ý cho thủ quỹ này rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nhà trường.
Cơ quan công an phát hiện Huy và bà Tâm đã thông đồng với nhau rút 86 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng của nhà trường, dùng vào việc tiêu xài cá nhân và chuyển cho một số người khác. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
Đối mặt khung phạt cao nhất của tội tham ô tài sản
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.
Tham ô tài sản là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, thu lợi bất chính.
Theo vị luật sư, người phạm tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Ngoài ra, tội này còn có một loại chủ thể khác là người không có chức vụ quyền hạn nhưng được người có chức vụ quyền giao nhiệm vụ, tiếp xúc trực tiếp với tài sản và hành vi chiếm đoạt tài sản diễn ra khi không có sự có mặt của người có chức vụ quyền hạn.
Đặc biệt, người phạm tội phải có hành vi lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản thì mới bị coi là tham ô tài sản. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ, dù họ có chức vụ, quyền hạn cũng không bị coi là tham ô tài sản.
Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người phạm tội tham ô hoàn toàn tương tự như thủ đoạn của người phạm tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…như lén lút, công khai, gian dối, bội tín…
Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, Điều 353 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 đến dưới 100 triệu hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Nếu phạm tội sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu thực hiện hành vi có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng…
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 đến dưới 5 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… sẽ bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
Còn trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Từ phân tích trên, luật sư Hòe cho rằng, với số tiền 86 tỷ đồng, nếu bị chứng minh có tội, 2 cán bộ của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội tham ô tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.