Trách nhiệm người dân

Vinh Hải Thứ tư, ngày 02/07/2014 14:48 PM (GMT+7)
Nghi vấn về việc đổ trách nhiệm lên đầu dân trong việc xử phạt người ngồi trên mô tô, xe máy đội mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) được đặt ra trước khi thực hiện chiến dịch xử lý từ ngày 1.7. Vậy đâu là trách nhiệm của người dân trong câu chuyện này?
Bình luận 0

Chiến dịch siết MBH dỏm – theo cách gọi của báo chí, được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khởi động lại từ giữa tháng 4.2014. Tên đầy đủ là “Tổ chức tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy”. Nghĩa là chiến dịch lần này được tổ chức một vòng khép kín nhằm kiểm tra, đảm bảo chất lượng MBH – chiếc mũ đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người ngồi trên xe gắn máy ở cả ba khâu: Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Người tiêu dùng lần đầu được đặt trong vòng xử lý vi phạm hành chính khi sử dụng chiếc mũ “không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy”.

Người tiêu dùng có trách nhiệm phải chứng minh chiếc mũ mình đang đội là MBH đạt tiêu chuẩn an toàn không? Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: “Phải nói rõ rằng cả người dân và lực lượng CSGT không có trách nhiệm trong việc chứng minh chiếc mũ này là thật hay là giả. Cơ quan Nhà nước cũng không yêu cầu người dân phải có trách nhiệm đâu là MBH thật, đâu là MBH giả”. Vậy, trách nhiệm của người dân trong câu chuyện chiếc MBH là gì? Ông Khuất Việt Hùng cho rằng: “Đó là, khi tìm mua chiếc MBH, người dân hãy nghĩ đến tính mạng, sức khỏe của bản thân mình”.

img
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).

Như vậy, trách nhiệm của Nhà nước là đưa ra các quy định để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông. Các cơ quan cụ thể sẽ đảm nhận phần việc của mình để đảm bảo từ khâu sản xuất qua kinh doanh đến tay người tiêu dùng cuối cùng là những chiếc MBH đạt chất lượng, có đủ độ an toàn. Để những chiếc MBH dán tem giả, có đủ ba lớp nhưng thực chất lại không đảm bảo an toàn tràn ra thị trường, đánh lừa người dân trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.

Còn với những người đang lưu thông bằng mô tô, xe gắn máy, trách nhiệm là bỏ ngay những chiếc mũ không phải MBH. Đó là những chiếc mũ được chủ nhân của nó bắt ép phải mang thêm chức năng của một chiếc MBH như mũ lưỡi trai bằng nhựa hay mũ trong công trường xây dựng. Có thể “hình phạt” nặng nhất sẽ xảy đến với bạn, hoặc người thân.

Chúng ta vẫn đau lòng khi mỗi năm có cả hơn vạn người chết vì tai nạn giao thông. Đừng đòi hỏi Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng của mình, trong khi chính mình lại vô trách nhiệm với tính mạng bản thân và gia đình. Chỉ từ một hành động tưởng như đơn giản: Chọn một chiếc mũ rẻ tiền và thời trang, đội lên đầu lấy lệ - bạn đã “giỡn mặt” với tử thần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem