TS Đỗ Anh Đức: "Trách nhiệm xã hội của báo chí là lan tỏa những giá trị tử tế, vững bền"

Hải Phong thực hiện Thứ tư, ngày 21/06/2023 09:30 AM (GMT+7)
"Trách nhiệm xã hội của người làm báo ở Việt Nam, từ trong lịch sử đến hiện đại, đã luôn song hành, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của đất nước. Tôi cho rằng, điều đó là một bản chất, một đặc trưng quan trọng nhất của nền báo chí mà chúng ta rất nên tự hào".
Bình luận 0

Nhân  kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với TS Báo chí Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội với chủ đề "Nhà báo với trách nhiệm xã hội".

TS Đỗ Anh Đức: "Trách nhiệm xã hội của báo chí là lan tỏa những giá trị tử tế, vững bền" - Ảnh 1.

TS Báo chí Đỗ Anh Đức: Trách nhiệm xã hội của báo chí chính là cam kết nói đúng sự thật, không bị lợi dụng hay chi phối bởi các lợi ích. Ảnh: NVCC

Chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng về trách nhiệm của nhà báo gắn với trách nhiệm xã hội, thưa TS?

- Xin cảm ơn báo Dân Việt đã đặt câu hỏi về một vấn đề thuộc về bản chất nghề nghiệp và cũng chưa bao giờ hết tính thời sự đó là trách nhiệm xã hội của người làm báo.

Trách nhiệm xã hội hiểu theo nghĩa rộng nhất là lý tưởng phụng sự xã hội, phụng sự lợi ích chung của cộng đồng mà báo chí theo đuổi.

Ở phương Tây, phần lớn các tờ báo thuộc về các ông chủ tư bản, các tập đoàn, mà thực chất thường là do một nhà tài phiệt, hoặc gia đình họ làm chủ. Do đó, vấn đề trách nhiệm xã hội luôn là một cam kết mạnh mẽ vừa khẳng định ý nghĩa cho sự tồn tại của họ - ý nói, chúng tôi phục vụ cộng đồng, xã hội, chứ không phải cho cá nhân hoặc nhóm thiểu số, vừa là phương châm hành động để xây dựng tờ báo được đại chúng thừa nhận.

Chẳng hạn, năm 1896, Adolph Simon Ochs mua lại tờ báo hàng đầu thế giới The New York Times, đã ngay lập tức tuyên bố cam kết của gia đình quyền lực này, rằng "đưa tin một cách vô tư, không sợ hãi, không thiên vị, bất kể đảng phái, giáo phái, hay các lợi íchs ràng buộc".

Tương tự, năm 1933, ông chủ Eugene Meyer khi mua quyền sở hữu tờ The Washington Post cũng nhấn mạnh rằng "để theo đuổi sự thật, tờ báo sẵn sàng hy sinh lợi ích vật chất, nếu điều đó là cần thiết cho lợi ích công chúng".

"Các nhà xuất bản tin tức nhìn thấy thị trường đại chúng thu hút báo chí. khi đó, yếu tố kinh tế sẽ quyết định việc đưa tin như thế nào, nên trung lập để thu hút nhiều nhất công chúng, thay vì chỉ thể hiện quan điểm của nhóm đảng phái mà báo chí thuộc về".

Vậy vấn đề trách nhiệm xã hội của nhà báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Ở trên tôi nói về bối cảnh của báo chí phương Tây, rất khác với báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời, với dấu mốc là tờ Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925, báo chí cách mạng Việt Nam đã đặt mục tiêu phụng sự cách mạng, phụng sự sự nghiệp giành độc lập, sau này là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Do vậy, báo chí cách mạng Việt Nam trước hết là báo chí chính trị, không phải báo chí thương mại, hay kinh tế như ở phương Tây. Ngoài ra, trong bối cảnh đất nước còn lệ thuộc, thực dân phong kiến đô hộ, áp bức, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu đấu tranh cho một tên gọi Việt Nam, một nền văn hóa và một dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội của người làm báo ở Việt Nam, từ trong lịch sử đến hiện đại, đã luôn song hành, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của đất nước. Tôi cho rằng, điều đó là một bản chất, một đặc trưng quan trọng nhất của nền báo chí mà chúng ta rất nên tự hào.

TS Đỗ Anh Đức: "Trách nhiệm xã hội của báo chí là lan tỏa những giá trị tử tế, vững bền" - Ảnh 3.

TS Đỗ Anh Đức: Trách nhiệm xã hội của báo chí lúc này khó hơn nữa, đó là trách nhiệm của việc làm trong sạch, lan tỏa và xây đắp cũ hay mới những giá trị tử tế, vững bền. Ảnh: NVCC

Như tôi vừa trình bày, trách nhiệm xã hội của báo chí không tách rời việc theo đuổi, thực hành nghề nghiệp một cách tử tế, chuyên nghiệp và trách nhiệm. Nhưng tại sao vẫn cần phải nói đến trách nhiệm xã hội? 

Vì, một là, để nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nghề báo, của nhà báo trong xã hội hiện nay. Và, hai là vì không phải lúc nào báo chí cũng làm tốt, làm đúng, làm đủ trách nhiệm xã hội của mình.

Nhiều khi biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm chỉ là việc đưa một mẩu tin thiếu nhạy cảm về vấn đề giới, quyền con người, quyền riêng tư, hay vô tình, hoặc hứu ý ám chỉ, cổ xúy cho những giá trị lệch lạc, sai lỗi...

Đó là chưa kể cũng có những trường hợp báo chí bị chi phối bởi các lợi ích mà vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, cũng chính là không thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của mình.

Theo ông, trong thời đại mới, khi công nghệ đang phát triển gắn với thông tin bùng nổ như hiện nay, vấn đề trách nhiệm xã hội của người làm báo có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi cho rằng, trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại số là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa sống còn. Khi thông tin bùng nổ và ngày càng trở thành một lực lượng vật chất mang tính "xã hội" - cả về nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, thì vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí càng cần thiết.

Nhưng khác với những giai đoạn trước, thời kỳ báo chí còn độc quyền trong lĩnh vực truyền thông, hoặc có vị trí quyền lực khó có thể thách thức, sự tiếp cận vấn đề trách nhiệm xã hội của báo chí vẫn mang tính mệnh lệnh, từ trên xuống.

Còn trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm xã hội của báo chí là vấn đề tự thân, tức là trách nhiệm ấy thể hiện ngay trong việc đưa tin của báo chí: Cam kết, đảm bảo tính chính xác, tính định hướng, đáp ứng tốt nhất sự tin cậy của công chúng dành cho và đấu tranh với những thông tin rác, tin sai vốn đang tràn lan trong không gian truyền thông số.

Về phương diện văn hóa, trước đây, báo chí, văn chương, các loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống là những lực lượng tinh thần chính tạo ra và dẫn dắt các giá trị trong xã hội.

Ngày nay, khi truyền thông số bùng nổ, khi thông tin tồn tại dưới những dạng thức rất khác trước và mất đi tính chủ thể của nó, các giá trị giả/ảo, phi giá trị hoặc phản giá trị liên tục được tạo ra và lan truyền, thậm chí có những lúc còn dẫn dắt, chi phối nhận thức của cộng đồng.

Trách nhiệm xã hội của báo chí lúc này khó hơn nữa, đó là trách nhiệm của việc làm trong sạch, lan tỏa và xây đắp, dù cũ hay mới, những giá trị tử tế, vững bền.

"Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại số là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa sống còn. Khi thông tin bùng nổ và ngày càng trở thành một lực lượng vật chất mang tính 'xã hội' - cả về nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, thì vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí càng cần thiết".

Nhà báo có trách nhiệm đưa thông tin một cách trung thực, khách quan, không thiên vị? Nếu lồng ghép cả yếu tố trách nhiệm xã hội, khi đó liệu việc đưa tin của nhà báo còn đảm bảo những yếu tố trên hay không? Làm sao để cân bằng, hài hòa cả yếu tố trách nhiệm xã hội và các đặc trưng của thông tin?

- Trách nhiệm xã hội không mâu thuẫn với tính trung thực, khách quan, hay không thiên vị. Trách nhiệm ở đây chính là cam kết nói đúng sự thật, không bị lợi dụng hay chi phối bởi các lợi ích như tôi vừa đề cập, cũng không vì nghiệp vụ còn hạn chế mà dẫn đến thông tin thiếu chính xác, thiếu cân bằng trong quá trình tác nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tòa soạn báo lớn trên thế giới, nhiều cuốn sách viết về nghề báo, và ngay cả cơ quan truyền thông của Mỹ, theo tôi biết, đều chọn "slogan" nhấn mạnh phương châm hành động của mình, đại ý: Vì một nền báo chí truyền thông minh bạch và có trách nhiệm.

Ở phương Tây, họ cũng hay dùng từ "liêm chính" để nói về nhà báo, về nghề báo. Đó cũng chính là trách nhiệm xã hội. Đây là nguyên tắc nghề nghiêp, và xin nhắc lại, không tách rời bản chất của nghề báo, nó không phải cái gì đó ở ngoài, hay được thêm vào.

TS Đỗ Anh Đức: "Trách nhiệm xã hội của báo chí là lan tỏa những giá trị tử tế, vững bền" - Ảnh 5.

TS Đỗ Anh Đức: Nhà báo nào càng có ý thức về trách nhiệm xã hội trong nghề nghiệp, người đó càng có khả năng trở thành nhà báo giỏi. Ảnh: NVCC

Ông từng nghiên cứu nhiều nền báo chí phát triển ở các nước phương Tây hay Australia, ông đánh giá thế nào về trách nhiệm xã hội của nhà báo ở những nền báo chí phát triển này so với chúng ta? Ông có thể đưa ra ví dụ để dẫn chứng?

- Một trong những điểm khác biệt quan trọng như tôi đã nói ở trên, báo chí phương Tây, phần lớn về nguyên lý, là vận hành theo động lực thương mại, kể cả vấn đề trách nhiệm xã hội. Còn ở Việt Nam, trước hết, đó là nhiệm vụ chính trị.

Ngoài ra, do thể chế, cơ chế khác nhau, nên cách nhận thức về trách nhiệm xã hội cũng khác nhau, dù có thể mục đích cuối cùng là giống - đều nhằm phụng sự xã hội một cách tốt nhất.

Ở nước ngoài, theo tôi biết, báo chí không thuộc về cơ quan nhà nước, nên họ chịu sự giám sát của xã hội rất chặt chẽ. Do đó, người làm báo trong bối cảnh đó luôn có ý thức rất rõ ràng về bổn phận và trách nhiệm của mình một cách rất cụ thể, không mơ hồ. 

Ví dụ, ở Australia, nơi tôi từng học tập và nghiên cứu, một tờ báo của một nhóm tư nhân, khi thành lập, họ cam kết rất rõ ràng mục tiêu phục vụ cho cộng đồng ở quy mô địa phương mà tờ báo hoạt động. 

Ở ta, trái lại, báo chí thuộc về các cơ quan ban ngành, đơn vị, nên nói đến trách nhiệm xã hội thường là nói đến trách nhiệm của tập thể nhiều hơn là cá nhân. 

Tôi cho rằng, nhà báo nào càng có ý thức về trách nhiệm xã hội trong nghề nghiệp của mình, người đó càng có khả năng trở thành nhà báo giỏi. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Một điều nữa tôi cũng muốn nói đó là cơ chế giám sát trách nhiệm xã hội của nhà báo. Ở Việt Nam, luôn có sự giám sát của cả hệ thống chính trị và người dân đối với hoạt động báo chí nói chung.

Đối với báo chí phương Tây, thoạt nhìn có vẻ như có tự do hơn về phương diện sở hữu tư nhân với báo chí, nhưng một khi chính trị lũng đoạn và chi phối, báo chí tư bản không ít lần bị "qua mặt".

Ví dụ điển hình là cuộc tấn công của Mỹ và liên quân vào Iraq năm 2003, với cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí sinh học, hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với nhóm khủng bố Al-Qaeda.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, không có kho vũ khí nào như vậy được tìm thấy, cũng không có mối liên hệ nào với tổ chức khủng bố được chứng minh. Hai tờ báo hàng đầu là The New York Times The Washington Post phải thừa nhận rằng, đáng lẽ họ phải truy vấn gắt gao hơn trước cuộc khai hỏa của liên quân, và tự đặt câu hỏi rằng, liệu tiến trình lịch sử có thay đổi nếu giới truyền thông đưa ra được câu hỏi thăm dò về cuộc chiến một cách có trách nhiệm hơn ở thời điểm trước khi nó nổ ra.

Câu chuyện này tuy cũ, nhưng gần đây cũng được tác giả Gene Foreman, một nhà báo kỳ cựu, đưa vào cuốn sách của ông Nhà báo liêm chính - Nghĩa vụ và trách nhiệm trong kỷ nguyên số (đã được dịch và in bởi Nhà xuất bản Trẻ, 2021), mà tôi vừa trích dẫn ở đây.

Câu chuyện cho thấy một bài học là, trách nhiệm xã hội của báo chí là vấn đề không đơn giản. Ngay cả ở những nền báo chí tiên tiến và phát triển, trách nhiệm ấy có được cũng phải bằng  sự đấu tranh không khoan nhượng của người làm nghề.

- Xin trân trọng cảm ơn TS Đỗ Anh Đức về cuộc trao đổi này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem