Làm báo chí kiến tạo thực sự mới có thể chiến thắng

Minh Phong Thứ tư, ngày 21/06/2023 08:11 AM (GMT+7)
Nhà báo Trần Anh Tú – Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, báo chí kiến tạo là báo chí với mục đích xây dựng, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Nếu làm báo chí kiến tạo thực sự, người làm báo mới có thể cạnh tranh và chiến thắng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong làm báo.
Bình luận 0

Theo ông, báo chí kiến tạo là xu hướng mới hay thực chất là mục tiêu cốt lõi mà báo chí truyền thống từ trước đến nay phải hướng đến thực hiện?

Tôi xin nêu một ví dụ. Ở nước ta có một tờ báo cho nông dân. Một tờ báo có đến 60-70% lượng tin bài dành cho nông dân. Tờ báo đó có chuyên mục "dạy" nông dân làm giàu rất cụ thể: Nuôi cua biển, trồng táo, nuôi con thích gặm tre, ấp trứng để tạo ba ba giống... Dạy không phải qua những bài học mà qua những trường hợp cụ thể, những thành công trong thực tế.

Đó chính là báo chí kiến tạo chứ còn gì nữa. Đôi khi chúng ta không đặt tên. Đôi khi chúng ta làm báo như một sự thôi thúc. Như tờ báo trên là sứ mệnh sát cánh cùng nông dân Việt. 

Từ xưa đến nay, chúng ta làm báo hướng đến một lớp độc giả cụ thể và tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu đọc của họ: Đưa thông tin mới, giúp họ giải trí. Không những thế còn bày cho họ cách làm giàu. Có thể nói báo chí kiến tạo là quay trở lại mục tiêu cốt lõi của báo chí truyền thống như ví dụ trên tôi đã nói: Báo chí là phục vụ công chúng.

Cơ quan báo chí tác nghiệp để kiến tạo giải pháp, nhưng giải pháp đó thường do chính cơ quan báo chí lựa chọn. Vậy có phải chúng ta vẫn đặt thiên kiến của người làm báo vào việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội không thưa ông?

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng  từng nhấn mạnh: Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp.

Báo chí kiến tạo không chỉ là đưa ra giải pháp. Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp rằng, báo chí kiến tạo có tính phản biện, khách quan và cân bằng; đề cập những vấn đề quan trọng mà xã hội đang phải đối mặt, không phải những vấn đề vụn vặt; không thiên vị; tông giọng điềm đạm, không bị lấn át bởi những bê bối và sự phẫn nộ; mang tính cầu nối thay vì chia rẽ; dựa trên sự thật; thúc đẩy tranh luận có tính thông tin cao về những giải pháp xử lý các vấn đề đã được ghi nhận rộng rãi.

Báo chí kiến tạo là báo chí với mục đích xây dựng, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí kiến tạo nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Báo chí không chỉ là nơi đưa ra các giải pháp, bày cho công chúng làm việc này việc kia... Báo chí phải cùng với công chúng "giải" các bài toán hiện thực xã hội.

gop/Làm báo chí kiến tạo thực sự mới có thể chiến thắng  - Ảnh 1.

Phóng viên Báo NTNN trao đổi với nông dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang, về sản xuất vải VietGAP.. Ảnh: Nguyễn Chương

img

"Báo chí kiến tạo là báo chí với mục đích xây dựng, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí kiến tạo nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh".

Nhà báo Trần Anh Tú

Vậy tại sao hiện nay người ta lại nhắc nhiều đến báo chí kiến tạo? Có phải vì báo chí hiện nay có một số "thói hư tật xấu"?

-Theo các nhà khoa học, thiên kiến tiêu cực là xu hướng mong muốn tiếp cận những thông tin xấu. Đặc tính của thiên kiến tiêu cực là: Nhớ những trải nghiệm đau thương hơn là nhớ những thành công; ký ức tiêu cực quay về nhiều hơn là ký ức tích cực; nghĩ về những lời nói xấu hơn là những lời khen tặng và phản ứng mạnh mẽ đến những biến cố tiêu cực hơn là biến cố tích cực.

Không chỉ công chúng, "thiên kiến tiêu cực" có thể hiểu là là xu hướng báo chí không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại sao "tin xấu" dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Trên thế giới, "báo chí kiến tạo" (có những tên gọi khác là báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng...) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Tôi nghĩ, xu hướng này cũng đang diễn ra tại Việt Nam.

Theo ông, làm thế nào để cơ quan báo chí ở Việt Nam làm tốt sứ mệnh báo chí kiến tạo trong khi có sức ép đến từ bài toán tăng trưởng người đọc, tăng doanh thu và áp lực truyền thông xã hội?

- Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận định: Thực tế đã chứng minh rằng "làm báo tử tế" cũng sống được, tuy không dễ. Nhưng chắc chắn kiểu làm báo câu khách với đầy những thông tin tiêu cực và định kiến khó tồn tại bởi nó không phải là thứ mà độc giả cần.

Rất khó có thể nói được việc "làm thế nào". NTNN/Dân Việt có thể phải làm khác tờ báo của giới trẻ, hay tờ báo của công nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tờ báo muốn thực hành báo chí kiến tạo thì luôn đặt ra câu hỏi trong mỗi hoạt động báo chí của mình: Liệu hoạt động đó có làm xã hội tốt đẹp hơn hay không? Trả lời được câu hỏi này thì tôi nghĩ, mỗi cơ quan báo chí có thể xác định được cách làm, cách triển khai báo chí kiến tạo của riêng mình.

Cụ thể hơn thì các cơ quan báo chí phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng.

Báo chí phải chuyển đổi từ đưa tin thuần túy thành phân tích, đưa ra dữ liệu với góc nhìn toàn diện hơn. Hay nói như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí phải kể câu chuyện sinh động và thú vị, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Đây cũng là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.

Còn đối với mỗi PV, BTV, cần có tiêu chí nào để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp, theo ông?

- Theo tôi, bên cạnh 5 chữ W mà các nội dung báo chí phải trả lời "Điều gì xảy ra? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Liên quan đến ai?", mỗi người làm báo phải tự đặt ra câu hỏi "vậy bây giờ có thể làm gì?" để có được một xã hội tốt đẹp hơn.

Thực ra những trả lời trên có thể rất sáo rỗng theo một cách nhìn nào đó nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi người làm báo phải xác định sứ mệnh cao cả của mình. Nói như lớp trẻ là "mình xuống Trái đất làm gì?".

Nếu chúng ta chỉ đưa tin thuần túy thì mạng xã hội, thậm chí AI có thể làm tốt hơn bất cứ PV, BTV nào. Nhưng nếu làm báo chí kiến tạo thực sự, người làm báo mới có thể cạnh tranh và chiến thắng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong làm báo.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem