Trái cây Việt chiếm lĩnh thị trường khó tính: Giấc mơ không còn xa

Đình Thắng (thực hiện) Thứ tư, ngày 09/05/2018 13:20 PM (GMT+7)
Sau xoài và thanh long, chôm chôm là mặt hàng trái cây thứ ba đã được phép xuất khẩu (XK) sang New Zealand. Xung quanh sự kiện này, ông Hoàng Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã chia sẻ về cơ hội mở rộng thị trường của mặt hàng trái cây trong năm 2018.
Bình luận 0

img

Ông Hoàng Trung  - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).

Ông đánh giá thế nào về thị trường New Zealand, thưa ông?

- Trong 7 năm qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Bộ Các ngành cơ bản New Zealand đã phối hợp tích cực nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến XK các loại quả tươi của Việt Nam sang thị trường này.

Cho đến nay, các thủ tục cần thiết đã hoàn thành và phía New Zealand đã chính thức công nhận cho phép chôm chôm là loại quả tươi thứ ba (sau xoài và thanh long) của Việt Nam được XK sang nước bạn.

Các doanh nghiệp và người sản xuất phải nắm được các yêu cầu ngặt nghèo về kiểm dịch thực vật mà New Zealand đưa ra, phải tổ chức lại từ khâu sản xuất đến sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của nước bạn, vườn trồng được cấp mã số để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc cũng như thuận tiện cho việc áp dụng các biện pháp kiểm soát sâu bệnh.

Việc XK thành công 3 loại quả tươi sang thị trường khó tính như New Zealand có phải là bước đệm để hoa quả Việt Nam chinh phục nhiều thị trường khác không, thưa ông?

- Đúng như vậy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được cấp phép XK chôm chôm tươi vào New Zealand, điều này mở ra cơ hội để trái cây Việt chiếm lĩnh các thị trường khó tính khác.

Theo kế hoạch được giao năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ nỗ lực đưa kim ngạch XK nhóm hàng nông sản đạt mức 40 tỷ USD, trong đó ngành hàng rau quả ước đạt khoảng 4 tỷ USD. Với tín hiệu XK tích cực trong XK những tháng đầu năm, cũng như sự phối hợp khăng khít giữa các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện các nước đều có xu hướng sử dụng hàng rào kỹ thuật thay thế các hàng rào thuế quan trước đây, vì vậy điều quan trọng là phải duy trì các điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín tại các thị trường đã mở cửa, từ đó tạo động lực cho nông dân sản xuất theo hướng hàng hoá và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

img

Trái chôm chôm đã chính thức được phép xuất khẩu sang New Zealand sau 7 năm thương thuyết.   Ảnh: T.L

"Cục BVTV sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu quả tươi của Việt Nam, cũng như thúc đẩy phía bạn sớm cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với các loại quả mà Cục BVTV đã gửi hồ sơ đề nghị mở cửa thị trường”.

Ông Hoàng Trung

Trong bối cảnh đó, theo ông doanh nghiệp và nông dân cần phải làm gì để mặt hàng trái cây rộng đường sang các thị trường lớn?

- Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần sản xuất hàng hóa tốt, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Thời gian qua, XK trái cây có nhiều khởi sắc nhờ sự liên kết tốt của doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, từ việc xây dựng vùng trồng, quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, xử lý trước khi XK. Đây cũng là hướng cần đẩy mạnh trong năm 2018 và thời gian tới.

Nhằm thúc đẩy việc XK trái cây vào các thị trường khó tính, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ đăng ký và được Cục BVTV cấp mã số đáp ứng các biện pháp canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.

Các cơ sở đóng gói đăng ký và được Cục BVTV cấp mã số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước bạn về đóng gói và ghi nhãn. Các cơ sở chiếu xạ đã được Cục BVTV cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu xử lý đối với trái cây XK sang các thị trường khác.

Tới đây Cục BVTV sẽ có những giải pháp gì đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trái cây?

- Cục BVTV sẽ ưu tiên đàm phán mở các thị trường nhiều tiềm năng, sức tiêu thụ lớn, gần Việt Nam, nơi mà các sản phẩm trái cây của Việt Nam có sức cạnh tranh cao. Theo đó, ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, sẽ tiếp tục mang nông sản Việt đến các thị trường Đông Bắc Á, New Zealand, Úc...

Bên cạnh đó, để giữ vững và phát huy các sản phẩm đã XK, cơ quan chuyên môn cần tăng cường phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu đến các doanh nghiệp và người dân, qua đó thay đổi nhận thức trong sản xuất, hình thành các vùng sản xuất bền vững, tạo tiền đề cho việc khai thác tốt hơn những thị trường đã mở cửa.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem