Trải nghiệm đón tết cùng người Tày ở vùng biên ải Bình Liêu
Trải nghiệm đón tết cùng người Tày ở vùng biên ải Bình Liêu
Tô HIệu
Thứ tư, ngày 02/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tết cổ truyền mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có nét riêng, phong tục riêng, thế nhưng sự háo hức, cảm xúc khó diễn tả thành lời của những ngày cuối năm chuẩn bị cho những ngày Tết hay thời khắc giao thừa luôn khiến tôi bồn chồn và khó quên.
Tết Nguyên Đán của người Tày được chuẩn bị theo cách cổ truyền rất riêng
Là người con của huyện Bình Liêu, tôi đã hơn gần 30 mùa trăng được đón Tết của dân tộc mình, mặc dù cũng như bao dân tộc khác, Tết cổ truyền là dịp để gia đình quây quần, sum họp đầm ấm, là sự yêu thương gắn kết...Tuy nhiên, Tết ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có nét riêng, phong tục riêng, vì thế mà mỗi năm Tết đến, tôi vẫn cảm thấy sự háo hức, rộn ràng của những ngày chuẩn bị cho những ngày Tết hay thời khắc giao thừa luôn khiến tôi tràn ngập nhiều cảm xúc.
Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, nơi được coi là vùng đất cổ, có chiều dài đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc là 42,8km. Các dân tộc khác gọi người Tày ở Bình Liêu là người Phian (phen), ngay cả một số bộ phận người Tày ở Bình Liêu cũng tự xưng với tên gọi cần Phen (người Phen).
Theo tài liệu Điều tra xã hội và lịch sử người Choang Quảng Tây thì người Phian (Phén) ở huyện Bình Liêu cũng là một bộ phận cấu thành nên người Tày ở Việt Nam. Trong không khí náo nức của mùa xuân, người Tày vùng biên ải Bình Liêu cũng đang chuẩn bị đón tết cổ truyền theo cách rất riêng…
Người Tày chính thức chuẩn bị các hoạt động để đón tết nguyên đán từ ngày 25 tháng Chạp. Thành ngữ của người Tày Bình Liêu "nhì hả khả mè toong" (đại ý là ngày 25 rửa lá dong) để chỉ ngày hôm đó (25 tháng chạp) là rửa lá dong để gói bánh chưng.
Lá dong để gói bánh đã được các bà các mẹ lấy trên rừng về khi bắt đầu bước vào tháng chạp. Đến ngày 25 âm lịch, nhà nào nhà nấy lấy những nắm lá nhà mình xuống suối rửa. Trẻ con và người già thường được giao nhiệm vụ này vì những người lớn còn tranh thủ làm nốt những công việc còn dở dang như cày đám ruộng, tưới vạt rau hay lên rừng vác thêm cây củi lớn về chuẩn bị luộc bánh....
Không bình thản như những ông, bà đã lớn tuổi, bọn trẻ được bố mẹ giao cho việc rửa lá dong háo hức ra mặt. Không ngồi dọc bờ suối như mọi người, bọn chúng chèo mảng ra giữa dòng rồi mới ngồi rửa từng chiếc lá. Tiếng cười đùa khiến những vạt hoa đỗ quyên hồng, tím bên bờ suối cũng xao xuyến mà rung rinh theo.
Chiều tối hôm đó, dù có bận bịu tới đâu, các bà mẹ cũng sẽ hối hả về và thoăn thoắt gói những chiếc bánh Cóoc mò xinh xắn cho những háo hức của lũ con không bị chùng xuống. Dù có đến bữa tối nhưng bọn chúng vẫn quyết chờ cho nồi bánh chín, bởi lẽ mùi nếp thơm của một số nhà đã luộc bánh trước lan khắp bản đã tiếp thêm động lực, chúng càng cố cho thêm củi vào bếp như thúc cho bánh nhà mình chín nhanh hơn.
Sáng sớm ngày 30 Tết, cả gia đình cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Nhà nào cũng chặt 2 cây trúc cao và thẳng để quét toàn bộ bên trong ngôi nhà lần cuối khi đã được dọn dẹp sạch sẽ, sau đó dựng trước sân để làm cây nêu.
Theo quan niệm của người Tày, ngày Tết trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm gặp nhiều may mắn. Khi nhà cửa được dọn dẹp xong họ bắt đầu thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, đồ xôi, làm bánh… Mọi công việc đều được làm nhanh chóng để phục vụ cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Sau lễ cúng, các gia đình mới bắt đầu ăn bữa tất niên.
Vào đêm giao thừa, mọi sự thăm thú được kết thúc bắt đầu từ 23 giờ. Lúc này mọi nhà đều đóng chặt cửa, cổng không cho bất cứ người nhà, hay người lạ ra, vào. Vì người Tày kiêng kỵ nhất sáng mồng 1, không ai được đến nhà nhau; họ quan niệm nếu người có tang ma, hoặc những người không hợp tuổi đến nhà sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình.
Vì vậy, họ chọn người xông nhà phải là người có đạo đức, uy tín và phúc lớn trong bản. Đến chiều mùng 1 Tết thì mọi người có thể đi chơi, thăm và chúc tết nhau bình thường.
Tết của người Tày, công việc quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng bà mụ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công; đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày Tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình.
Sáng mùng 1 tết, mọi thành viên trong gia đình đều ở nhà để thắp hương thờ cúng tổ tiên. Trên mâm cúng tổ tiên đều được đặt bằng lá chuối gồm có rượu, xôi vàng và các đồ chay (rau, hoa chuối, mía...). Người Tày quan niệm, những người đã khuất về với tổ tiên cần phải chay tịnh, thanh sạch nên chỉ cúng đồ chay trong ngày mùng 1.
Trong ngày này, tất cả những công cụ lao động như: dao, rựa, cày, bừa, cuốc, thuổng… cũng được xếp vào một nơi rồi thắp hương; theo đồng bào nơi đây, những vật dụng đó đã gắn bó và theo họ suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng phải được nghỉ ngơi đón Tết.
Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy… Ngày mùng 2 tết, các gia đình chuẩn bị đi thăm nhà ngoại từ sớm. Sự bồi hồi của người con gái đi làm dâu xa sắp được về thăm lại gia đình, cùng với sự háo hức của con trẻ được theo bố mẹ sang thăm nhà ngoại khiến cho những cánh hoa xuân cũng rưng rưng. Tiếng chim hót hòa cùng tiếng suối theo bước chân hối hả của những người con gái về thăm mẹ là một nét xuân đầy cảm xúc nơi biên ải Bình Liêu…
Mùng 3 tết hàng năm, theo tục lệ, đệ tử sẽ đến nhà thầy vào ngày 3 tết để thể hiện sự tôn kính người dẫn dắt mình theo nghề (ở đây đệ tử là những người được thầy Tào cấp sắc để hành nghề). Tại gia đình thầy, người đệ tử sẽ được thầy giới thiệu với các thành viên trong gia đình và các đệ tử khác của thầy, chỉ rõ vai vế để xưng hô.
Lúc này thì người đệ tử được coi như một thành viên của gia đình. Người đệ tử gọi thầy cấp sắc là Pò thảu slay (thầy cha), gọi vợ của thầy là Mè thảu slay (mẹ thầy), gọi các con của thầy bằng anh, chị hay em tùy vào tuổi tác; gọi các đệ tử trước là sư huynh hay sư đệ.
Theo dòng chảy thời gian, trước sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ, cái tết đậm đà nghĩa tình nơi biên ải Bình Liêu vẫn âm thầm níu giữ mỗi người con nơi đây, dù ở đâu xa vẫn luôn tìm về…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.