Trái ngon: Tự "bơi" tới hội thi để... gặp doanh nghiệp

Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị) Thứ tư, ngày 11/06/2014 15:02 PM (GMT+7)
Ước ao của những nhà vườn và những người bày hàng tại khu du lịch cồn Mỹ Phước hôm mùng 5 tháng 5 âm lịch là làm sao tại đây có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn, làm sao có cách làm ăn tử tế hơn chứ tự bơi riết oải lắm!
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Trung, nhà vườn ở Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vừa nhận giải nhì trái ngon tại hội thi thường niên ở Suối Tiên (bưởi Năm Roi) nói rằng đi thi và làm hàng chợ khác nhau ở chỗ thi không cần trái lớn, nhưng phải chăm sóc cho màu sắc tươi tắn đúng quy cách, đạt chất lượng. Những cuộc thi như vậy sẽ làm cho việc “tự bơi” trên thị trường tốt hơn. Mỗi người cảm nhận vui buồn rất khác nhau.

Ước ao của những nhà vườn như ông Trung và những người bày hàng tại khu du lịch cồn Mỹ Phước hôm mùng 5 tháng 5 âm lịch là làm sao tại đây có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn, làm sao có cách làm ăn tử tế hơn chứ tự bơi riết oải lắm!


Tự bơi tới hội thi để gặp doanh nghiệp

Là chủ nhân 1,7ha trồng bưởi, mỗi năm để dành được chừng 120 — 130 triệu đồng, ông Trung nói cái khó lâu nay là hôm nay thương lái từ Tiền Giang qua mua, mai lái Cần Thơ tới, đủ kiểu mua bán do mạnh ai nấy làm. 60 — 70% nhà vườn thấy hợp tác xã (HTX) là cần thiết, nhưng vẫn còn 30% muốn ở ngoài tự kiếm lái, không làm theo quy trình, không theo lịch gieo trồng, giá nào cũng bán thì doanh nghiệp ký hợp đồng để mua giá cao cho nhà vườn là chuyện không thể có.

imgNhiều nhà vườn tham gia ngày hội Sông nước miệt vườn – cách thu hút du khách về Kế Sách.

Từ tháng 6 — 7 âm lịch lái cắt bưởi chở đi nơi khác tới tết. Giá bưởi ở Kế Sách luôn cao hơn nơi khác, có lúc trên 30.000đ/kg loại 1,2kg, loại 800g trở lên giá 28.000đ/kg, bình quân khoảng 22.000đ/kg. Không chỉ có đất đai, vốn liếng là ra được bưởi ngon mà công thức chính là kỹ thuật, sự đam mê đeo đuổi mới tạo ra trái ngon nên khi trái ngon mà giá rẻ như bèo là nhà vườn như mất hết sinh lực.

Ở Kế Thành, ông Đoàn Minh Sở là người đoạt giải nhất tại cuộc thi trái ngon Sông nước miệt vườn ở cồn Mỹ Phước. Hòn đảo mệnh danh giàu có và phì nhiêu nổi tiếng từ trước năm 1975. Hàng năm, ông Sở cũng đi Suối Tiến, có lần dự thi ở festival cây ăn trái (Mỹ Tho), được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vinh danh nhà vườn sáng tạo khi chuyển hướng vườn tạp thành vườn chuyên canh và thực hiện hệ thống canh tác an toàn.

 Tỉnh, huyện xuống ghi nhận kết quả ở khu vườn bưởi rộng 4ha, mỗi năm ông có dư 500 — 700 triệu đồng. Nhưng nếu ai hỏi liệu ông sẽ mua đất mở rộng vườn, trồng thêm cây trái thì ông nói “cần suy nghĩ lại”. Đơn giản vì đầu ra chưa bao giờ bền vững. Đoạt giải ở các hội thi rất quan trọng, nhưng theo những nhà vườn ở Kế Sách, cái chính là có cơ hội đối thoại với các nhà phân phối, doanh nghiệp chứ giá cả bấp bênh thì đầu tư thêm nữa để làm gì?

Sáng tạo sẽ... “đắp chiếu”?

Khi lao động trẻ chạy về khu công nghiệp hoặc thị thành, nông thôn còn lại người già, phụ nữ, ở đâu cũng cần cơ giới hoá để thay thế sức người. Nhưng trừ máy gặt đập liên hợp, các loại máy chỉ làm một việc nên ông Cao Phi Hổ ở thị trấn Một Ngàn, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang nghĩ ra cách làm máy vừa cày, xới, trục đất. Gọi là máy trục, nặng cả tấn, giá bán 70 đồng triệu/máy, bắt đầu bán ra từ tháng 7.2013 sau khi được đánh giá là đề tài khoa học cấp huyện. Ông Hổ nói: “Tui chế máy công tác ở phía trước nên khi đi qua thì cày xới trục xong hết ráo”.

Mỗi tháng, ông có thể làm ba máy, tới đó dừng lại vì vốn chỉ đủ mua vật liệu làm chừng ấy. Chưa ai dám cho ông vay và ông chưa dám vay vì phải thế chấp “quyền sử dụng đất” dính nền nhà. Ông Hổ có bốn công đất, nghĩ tới cảnh làm ruộng thiếu máy móc, chi phí cao quá làm sao cạnh tranh… định vay ngân hàng thì cán bộ tín dụng nói: “Đề tài cấp huyện được đánh giá cao, nhưng mô hình còn mới quá, chừng nào làm ăn khá hơn thì cho vay liền”.

“Chỉ cần có chính sách giúp mỗi HTX trong huyện mua một máy thì tui làm không hết việc. Trên tỉnh, lúc công nhận đề tài khoa học, nói cần nhân rộng, nhưng nói nghe chơi chứ đâu có ai làm! Nói một đàng làm một nẻo thì đi tới đâu?” ông Hổ thua buồn nói.

Ông Nguyễn Cao Thương ở thị trấn Vĩnh Thuận, Kiên Giang, hơn một năm rưỡi nay, từ khi làm được xe sạ lúa, bón phân, phun thuốc kết hợp bán sang các tỉnh, đã có thêm cơ hội làm ba máy chở qua Lào theo đơn đặt hàng. Có hai loại giá: 38 triệu đồng và 51 triệu đồng/xe.

Ông tính toán: mỗi ngày làm 300 công, mỗi công thu 10.000 đồng, sẽ có 3 triệu đồng; trừ chi phí 600.000 đồng còn lời 2,4 triệu đồng. Chỉ cần hai vụ lúa là hoàn vốn. Cái chính là dù có máy phun xịt đeo trên lưng nhưng lao động không an toàn do vẫn tiếp xúc với hoá chất độc hại, chiếc xe này sẽ giúp người phun xịt tránh xa độc hại.

Dự định của ông là lắp máy, tự làm dịch vụ nhưng mới ra lò đã có người mua. Bây giờ muốn làm cho dân xài thì kiếm vật tư, cũng không dễ chút nào. “Sau này lên được doanh nghiệp rồi, có nhiều đơn đặt hàng thì việc đầu tiên là giảm giá mỗi máy 5 — 7 triệu đồng cho người mua”, ông Thương ao ước, nhưng không biết tìm đâu ra vật liệu làm.

Máy phun thuốc điều khiển từ xa do ông Nguyễn Hoàng Phi, ở Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang cũng thuộc loại độc đáo tới mức khó tìm vật liệu để ráp. Có thể nối dây để máy đi xa 100m, đặt một chỗ, quạt đẩy để đưa thuốc ra diện rộng. Máy vận hành đúng ý muốn, nhưng ống dẫn co giãn khi kéo xa, dễ bị đâm thủng, xì hơi… Nghĩ tới vật tư khó tìm và vì chưa có đặt hàng đủ để mua hàng với số lượng lớn nên mọi thứ phải dừng lại. Một nông dân, một người thợ thủ công hiểu thế nào là thiếu công nghiệp phụ trợ!

Ông Phi bán máy với giá 13 triệu đồng/máy, vài bữa có người gọi điện hỏi “tìm được phụ tùng chưa?”, ông lại khất “chừng nào có mẫu mới sẽ cho hay”.

Không được bảo vệ

Ông Trần Thanh Liêm, người nổi tiếng với cách trồng dưa vuông, dưa thỏi vàng ở phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ nói rằng rào cản chính là đầu ra, nhưng khi thị trường chấp nhận thì khuôn mẫu dễ bị nhái, thấy hàng nhái mà không biết phải làm gì!? Ông hỏi luật sư thì được trả lời: “Nước ta chỉ bảo hộ kiểu dáng, chưa có luật bảo hộ sản phẩm thì khó thưa kiện lắm”.

Mỗi năm ông Liêm tốn tiền làm khuôn 140 — 150 triệu đồng (400 khuôn), tỷ lệ đạt 50%, tức là hao hụt một nửa lại được coi là thành công. Năm ngoái một cặp dưa thỏi vàng 3,5 triệu đồng, không đủ hàng bán. Mơ ước khởi nghiệp từ sản phẩm khác biệt, nhưng nếu không kiểm soát được hàng nhái thì khó tránh thất bại, ông Liêm lo lắng nói.

Ông Châu Thanh Tùng, chủ nhân công ty Ngọc Ngân ở xã Phú Hựu, Châu Thành, Đồng Tháp, nói rằng: “Khi tạo công ăn việc làm cho 16 — 17 thanh niên nông thôn, lương theo sản phẩm 120.000 — 160.000 đồng/người/ngày, làm máy sạc điện bán tới chợ xã, tự hiểu mình có ích”.

Hiện nay, xưởng nhỏ kế mé ruộng đang làm “mạch trễ” cho tủ lạnh, sản phẩm mới được bà con ưa chuộng, ông đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền với Nhà nước, nhưng đó cũng chỉ là cái xưởng nhỏ vốn liếng 300 triệu đồng. Và ông đã có bài học hùn hạp: suýt chút nữa thì nhãn hiệu độc quyền về tay người hợp tác gia công.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem