Trại rau thuỷ canh hiện đại đầu tiên bên dòng sông Hương ở cố đô

Thứ ba, ngày 20/02/2018 12:25 PM (GMT+7)
Khu nhà kính hiện đại rộng 2.000m2 của chị Lê Thị Tám (tại thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) được xem là mô hình đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế trồng rau theo phương pháp thủy canh.
Bình luận 0

img

Vườn rau của chị Lê Thị Tám nằm trên một bãi bồi hạ du sông Hương. Để tìm được trang trại này khá đơn giản, chỉ cần hỏi vườn rau Thảo Vy ở đâu thì người dân trong vùng ai cũng biết và chỉ ngay. Chúng tôi gặp chị Tám trong buổi chiều cuối năm. Dịp này khách các nơi về tham quan liên tục. Mỗi lần có người đến, cô gái gốc Phú Yên lại nở nụ cười tươi, niềm nở giới thiệu quy trình trồng rau cho khách.

Nói về cơ duyên đến với trồng rau, chị Tám bộc bạch: “Trước tôi chuyên thu mua rau để nhập cho các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân ngày càng tăng cao, tôi bàn với chồng khởi nghiệp bằng nghề này. Sau khi đi các nơi học hỏi kinh nghiệm và qua internet, vợ chồng tôi quyết định chọn mô hình canh tác rau thủy canh, bởi tính hiệu quả và trên hết phương pháp này cho cây rau rất sạch, đảm bảo sức khỏe người dùng”.

Tháng 8/2017, được sự đồng ý của UBND huyện Phú Vang, chị Tám bắt tay thực hiện mô hình trồng rau thủy canh tại thôn Tây Trì Nhơn. Vốn đầu tư ban đầu khá lớn, lên đến gần 2 tỷ đồng nhưng chị vẫn quyết thực hiện “ước mơ” rau sạch của mình ấp ủ. Và chỉ mấy tháng sau đó, một khu nhà màng rộng 2.000m2, trang bị các hệ thống hiện đại đã mọc lên bên sông một cách vững chãi.

img

Chị Tám cho biết, phương pháp trồng rau thủy canh đem lại hiệu quả cao, rau được trồng trong các ống nhựa nối thành một hệ thống giàn, bên trong các ống nhựa có chứa dung dịch thủy canh. Áp dụng kỹ thuật này giúp chủ động trong việc cung cấp nước, chất dinh dưỡng, điều chỉnh ánh sáng nên cây trồng phát triển rất tốt, tránh được các tác nhân sâu bệnh, do đó không cần sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch cũng đơn giãn hơn và có thể ăn luôn tại giá thể.

Anh Tùng (chồng chị Tám) tính toán, trên cùng một diện tích đất, đầu tư trồng rau thủy canh chi phí cao hơn so với phương pháp truyền thống do giá hạt giống và thiết bị cao. Chất lượng giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quyết định thành bại đối với phương pháp này.

Về hạt giống, vườn rau Thảo Vy nhập toàn bộ từ Hà Lan với giá cao gấp hàng chục lần giống trong nước, bình quân mỗi hạt giá 1.000 đồng, nhưng bù lại khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100%.

Nhìn từng giàn cải thìa, xà lách tím, xà lách bó xôi xanh mướt, rồi đưa mắt quá mấy chùm cà chua lủng lẳng trên cây, anh Tùng không giấu được niềm phấn khởi, nói: “Thời gian vừa rồi vợ chồng tôi cũng vất vả, nhưng khi khu nhà được hình thành, cây rau phát triển tốt bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến hết”.

img

Chị Tám cho biết thêm, tùy loại rau mà có chu kỳ phát triển khác nhau. Với xà lách, rau màu khác từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 25 - 30 ngày, thu hoạch lứa này xong là trồng đợt giống khác luôn nên có thể trồng được quanh năm. Hiện nay, trong nhà màng chị Tám còn trồng 3.000 gốc cà chua, bình quân thu hoạch được 2 - 3kg quả/gốc, một năm trồng 2 vụ cà chua cũng cho thu nhập cao.

Hiện sản phẩm rau quả của chị Lê Thị Tám được bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Bên cạnh đó, nguồn rau sạch này còn cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng uy tín trên địa bàn TP Huế. Tùy vào loại rau, cải khi đưa đến thị trường, có giá giao động khoảng 50.000 đồng/kg và đang được người tiêu dùng đón nhận.

Minh Tuấn (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem