Tại sao một người lừng lẫy như ông, một bá tước có cả một điền trang ở Yanaya Polyana, lại bỏ nhà ra đi khi tuổi đã cao, để rồi chết ở dọc đường? Nhà văn, người đã viết những tác phẩm vĩ đại như "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Karenina", "Phục sinh"… với bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu số phận cuộc đời, đặt ra biết bao vấn đề nhân sinh, lẽ sống, rốt cuộc đã thấy bế tắc trên hành trình đi tìm cách giải quyết cho một vấn đề tưởng giản đơn nhưng thực ra là bản chất: Làm sao con người được sống hạnh phúc và sống được hạnh phúc.
Lev Tolstoy đã vật lộn trong tư tưởng, trong nghệ thuật, đã dằn vặt mình trong môi trường quý tộc, đã muốn tìm về với người nông dân Nga chất phác như đó là cội nguồn để tránh sự tha hóa xã hội. Nhưng càng tìm, càng quẫy lộn tâm trí, ông càng thấy mịt mùng cái đích đến.
Rốt cuộc, ông đã bỏ nhà ra đi, như một sự trốn chạy bản thân, như một sự dấn thân tìm đường, khi thế kỷ XX vừa mới diễn ra.
Cái chết trên đường của Lev Tolstoy đã làm rúng động nước Nga, rúng động châu Âu, và khiến cả thế giới bàng hoàng. Mọi người thương tiếc ông, đau đớn về tổn thất lớn này, và từ cái chết của ông, nhận ra cuộc sống của mình có thêm ý nghĩa - ý nghĩa đi tìm hạnh phúc.
Khi bắt đầu viết tiểu thuyết "Anna Karenina", ông đặt một câu đề từ: Mỗi người tự lo cho mình, Chúa lo cho tất cả. Nhưng khi viết xong, ông xóa câu đó đi, thay bằng một đề từ khác: Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng bất hạnh mỗi nhà một khác. Không ai sống hộ cho ai được cả. Nhưng người ta có thể thương yêu, cảm thông cho nhau, với nhau. Tình thương yêu, lòng bác ái là cái làm cho con người bớt khổ đau, sống đúng với bản tính người của mình.
Suốt đời, Lev Tolstoy truyền bá "tôn giáo tình yêu đồng loại". Ông kêu gọi hãy tin vào tình yêu là thiên chức, là bản chất, là lợi ích của cuộc sống chúng ta. "Hãy sống chỉ cho nó và bằng nó, sống bằng tình yêu mà nó gọi kêu anh đến, và tất cả những lợi ích cho anh và cho những người khác mà anh chỉ có thể mơ ước sẽ được gấp lên vô số lần cho anh".
Những lời này Lev Tolstoy viết ra chỉ 2 năm trước ngày ông mất như một di chúc tinh thần ông để lại cho người dân Nga và rộng ra là loài người.
Chúng ta, những bạn đọc Việt Nam của Lev Tolstoy, đã thấm văn ông từ lâu, đã quen thuộc những hình tượng nhân vật của ông, đã biết đến ông như một niềm tin và niềm an ủi, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông với lòng biết ơn.
Phép biện chứng tâm hồn của Lev Tolstoy trong văn chương vẫn có ích cho chúng ta nay biết nhìn vào mình, vào người, để hiểu sâu sắc hơn nữa kiếp người của ta.n
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.