Trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày nay
Trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo ngày nay
Phạm Kim Tuyến
Thứ tư, ngày 31/07/2024 06:24 AM (GMT+7)
Trưa 2/8/1964, khu trục hạm Maddox xuất hiện gần đảo Hòn Mê, mở đầu cho trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Những ngày sau đó, các tàu phóng lôi, tuần tiễu nhỏ bé của ta đã bắn rơi nhiều máy bay, xua đuổi tàu chiến Mỹ để bảo vệ vùng trời, vùng biển Miền Bắc.
Năm 1964, sa lầy và thất bại với chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, lãnh đạo Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho chiến trường.
Đêm 31/7, rạng sáng 1/8/1964, Mỹ cho tàu khu trục Maddox thuộc Hạm đội 7 xâm phạm sâu vào vùng biển Quảng Bình sau đó tiến lên phía Bắc, có lúc chỉ cách bờ 8 hải lý. Con tàu vừa do thám, điều tra mạng lưới bố phòng Miền Bắc, vừa đe dọa, uy hiếp các tàu của ngư dân trên biển.
Tàu Hải quân bắn máy bay Mỹ tại Hòn Gai, Quảng Ninh, ngày 5/8/1964.
Ngày 2/8/1964, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh Tiểu đoàn 135 sử dụng 3 tàu phóng lôi của Phân đội 3 (gồm các tàu 333, 336, 339), bí mật hành quân từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích, đón đánh tàu khu trục của Mỹ. Phối hợp chiến đấu là 2 tàu tuần tiễu T142 và T146 của Khu Tuần phòng 1.
Khoảng 13h30 ngày 2/8/1964, tàu khu trục Maddox Mỹ xâm phạm khu vực biển Hòn Mê (Thanh Hóa). Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu và phóng lôi xuất kích, tìm kiếm và khi phát hiện liền tăng tốc tiếp cận mục tiêu.
Địch phát hiện thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiến tới liền chạy ra xa và dùng pháo lớn bắn dồn dập. Dù vậy, Phân đội tàu phóng lôi vẫn tiến về phía mục tiêu, chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi đồng thời bắn trả các tốp máy bay, tàu chiến Mỹ.
Trận đánh ngày 2/8/1964 là trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm thành lập. Dù lực lượng, vũ khí trang bị còn nhỏ bé nhưng hải quân đã trực tiếp chiến đấu với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ ta đã đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi lãnh hải Việt Nam; bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác.
Ngay sau khi tàu Maddox bị Hải quân nhân dân Việt Nam đánh đuổi ra khỏi vùng biển, đêm 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" vu cáo lực lượng Hải quân miền Bắc Việt Nam tiến công vào tàu chiến Mỹ đang hoạt động bình thường ở vùng biển quốc tế; lấy cớ mở chiến dịch trả đũa mang tên "Mũi tên xuyên".
Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động máy bay ở hai biên đội tàu sân bay gồm Constellation và Ticonderoga với hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tập kích ồ ạt gần như cùng một lúc vào các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của Hải quân Việt Nam suốt dọc ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, mở đầu hành động leo thang đánh phá miền Bắc.
Do được chuẩn bị chu đáo từ trước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác, đánh trả quyết liệt và bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống phi công Everett Alvarez – "giặc lái Mỹ" đầu tiên bị bắt tại Miền Bắc.
Chiến thắng trận đầu trong các ngày 2 và 5/8/1964 của bộ đội Hải quân và quân dân miền Bắc có ý nghĩa chiến lược, tạo tiền đề thuận lợi, mang lại niềm tin, cổ vũ, động viên khí thế tiến công của quân và dân cả nước quyết tâm đánh bại các bước leo thang chiến tranh của Mỹ; bảo vệ vững chắc hậu phương lớn Miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn Miền Nam.
Phát huy truyền thống, kinh nghiệm cùng những bài học thành công của chiến thắng trận đầu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong điều kiện lịch sử mới.
Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt yêu cầu mới, khẩn trương đối với Quân chủng Hải quân.
Từ nền tảng truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong chiến thắng trận đầu sẽ là hành trang, nguồn lực tinh thần quý giá để thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay tiếp tục ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nòng cốt cùng với các lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân.
*Tác giả bài viết: Đại tá Phạm Kim Tuyến, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân chủng Hải quân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.