Tràn lan thức ăn thủy sản kém chất lượng

Thứ năm, ngày 15/12/2011 10:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù số lượng nhà máy và sản lượng thức ăn thủy sản sản xuất trong nước tăng rất nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên, vấn đề chất lượng thức ăn vẫn đang là nỗi lo ngại của người nuôi.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, số lượng nhà máy và sản lượng thức ăn thủy sản (TATS) sản xuất trong nước tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chất lượng thức ăn vẫn là nỗi lo của người nuôi khi còn quá nhiều trường hợp không đảm bảo yêu cầu.

Theo đó, năm 2008 Chi cục Thủy sản Đồng Tháp kiểm tra 131 mẫu TATS thì phát hiện 56 mẫu không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein so với tiêu chuẩn công bố, chiếm tỷ lệ 42,7%.

img
 

Năm 2011, Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản kiểm tra 39 mẫu TATS cũng phát hiện 6 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 15% và con số này là 11,4 năm 2011 khi trung tâm kiểm tra 35 mẫu, phát hiện 4 mẫu không đạt yêu cầu.

Tính trung bình từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ TATS vi phạm về chất lượng là khá cao, đến hơn 20%. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đạt chất lượng về chỉ tiêu protein, lipit hoặc các chỉ tiêu khác như xơ, tro theo tiêu chuẩn công bố.

“TATS sản xuất trong nước có vấn đề về chất lượng khiến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tốn thức ăn cao. Thái Lan chỉ cần 1,1kg thức ăn để tạo ra 1kg tôm thì cũng loại sản phẩm đó ở ta, nông dân phải cần tới 1,3kg” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu phân tích.

Cả nước hiện có khoảng 130 nhà máy sản xuất TATS, sản xuất 4.500 sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành. Tổng sản lượng TATS hằng năm đạt 3,77 triệu tấn, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.

Giải thích nguyên nhân của việc chất lượng TATS sản xuất trong nước không đảm bảo chất lượng, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hệ thống phòng phân tích chất lượng của ta hiện còn quá ít, trình độ chuyên môn, khả năng phân tích còn chưa đồng đều và thiếu các thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam còn cho rằng, nhiều doanh nghiệp vì ham lợi nhuận cao đã bán ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm tái chế… gây thiệt hại cho người nông dân.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu kêu gọi các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng phòng kiểm định chất lượng để phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh. Theo bà Thu, chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của một thương hiệu nên các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem