Trăn trở dạy nghề cho lao động mù chữ

Thứ ba, ngày 21/12/2010 20:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy nghề cho người mù chữ là vấn đề mà nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang trăn trở, trong bối cảnh việc dạy nghề nông dân đang ưu tiên lao động (LĐ) yếu thế là người nghèo, bà con dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Tỉnh Lai Châu hiện đang triển khai 2 mô hình dạy nghề nông, lâm nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Trong đó có nghề đòi hỏi LĐ phải có trình độ như kỹ thuật vận hành điều khiển máy công nghiệp, nông nghiệp; nghề hàn - nề… Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, gần 30% LĐ chưa biết chữ, nhiều người còn không biết tiếng phổ thông. Trong khi đó, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đây lại là đối tượng ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm.

img
“Cầm tay chỉ việc” là cách dạy nghề phù hợp với LĐ vùng núi.

Tương tự, tỉnh Điện Biên triển khai dạy nghề hàn tại xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) và dạy nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê tại xã Ảng Cang (huyện Mường Ảng). Mỗi lớp 35 học viên. Nhiều người trong số này chỉ mới đọc thông viết thạo. Ông Trần Thanh Nghị - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên cho biết, vì trình độ học vấn của bà con rất thấp nên giáo viên thường phải nói chậm, giảng kỹ. Rất nhiều khái niệm bà con không hiểu, phải giảng trên mô hình.

Các tổng công ty tham gia dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân như Tổng Công ty Thuốc lá VN cũng “chào thua” khi triển khai dạy nghề cho LĐ mù chữ. Hiện, để tổ chức lớp cho các vùng chuyên canh trồng thuốc lá ở Lạng Sơn, Gia Lai, Tổng Công ty Thuốc lá VN phải dạy tại… ruộng, lớp học được tổ chức 3 tháng, dạy theo đúng chu trình sinh trưởng của cây và nông dân được kiến tập, thực tập tại chỗ.

Tại Sơn La cũng còn khá nhiều LĐ mù chữ. Ông Đỗ Văn Kiển - Trưởng phòng quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH Sơn La) cho rằng, việc đào tạo nghề cho LĐ chưa biết chữ vô cùng khó khăn. Vì vậy khi tổ chức dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, tỉnh này chưa dạy các nghề phi nông nghiệp mà chủ yếu là nghề nông nghiệp. Hiện, Sơn La đã dạy thí điểm 2 lớp dạy nghề nông dân tại huyện Mai Sơn là trồng nấm và nuôi gà đồi. Cách dạy vẫn là cầm tay chỉ việc. Ông Kiển bày tỏ: “Các nghề khác thì chưa dám mở, nghề phi nông nghiệp chỉ có nghề dệt. Chúng tôi đang tính làm thêm nuôi cá lồng sông Đà, nuôi trâu bò nhốt… theo mô hình”.

Hiện, mong muốn của các tỉnh là Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn trong việc mở lớp, truyền nghề cho LĐ dân tộc thiểu số, LĐ mù chữ để “chuẩn hoá” các lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con theo học.

Các nghề như hàn, mộc, nề… đòi hỏi có kiến thức, khéo tay. Nếu dạy kiểu sách vở bà con không hiểu, còn dạy kiểu cầm tay chỉ việc thì cơ sở vật chất rất khó khăn, không thể mang máy móc lên tận bản dạy bà con được.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem