Đó là sự thống nhất cao tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ III (khoá VI) diễn ra tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên), ngày 9.1.2014.
Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trao cờ thi đua cho các Hội ND địa phương xuất sắc.
Nhiều đại biểu dự hội nghị nhận định: Hiện tại, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta và vẫn là lĩnh vực “gửi gắm” nhiều lao động nhất. Tuy nhiên, thu nhập của ND vẫn còn quá thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng.
Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xóa nghèo kém bền vững, lao động nông thôn chậm được đào tạo, tỷ lệ thiếu việc làm cao, năng suất lao động thấp. Lao động ở nông thôn hiện chủ yếu là người trung niên, cao tuổi và trẻ em. Nông thôn ở nhiều nơi, nhất là các vùng miền núi phát triển chậm, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém bất cập, nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. Nông dân băn khoăn, lo lắng vì sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế. Đó là những nhận định của Báo cáo tổng kết công tác hội và phong trào ND năm 2013.
Nhiều lo ngại“Phần lớn ND hiện vẫn phải tự đi tìm nơi tiêu thụ sản phẩm làm ra. Đây là điểm yếu huyệt của kinh tế nông thôn hiện nay, dẫn đến giá cả bấp bênh, ND không thể giàu nổi”- ông Nguyễn Văn Phụng – Chủ tịch Hội ND TP.Hồ Chí Minh trăn trở. Vấn đề xác định các mô hình liên kết làm ăn của ND đã được nhiều đại biểu đề cập.
Theo ông Nguyễn Phú Ban – Chủ tịch Hội ND Đà Nẵng, với trình độ còn hạn chế, ND nhiều vùng luôn thấy bí về cung cách làm ăn. Thế nhưng môi trường phát triển làm ăn vẫn còn quá nhiều bất cập. Trong lúc, sự nghiên cứu gợi ý của các cấp trách nhiệm lại khá hời hợt, ngành ngân hàng lại còn “rườm rà” chưa mạnh dạn cho ND vay nguồn vốn lớn để làm ăn, nhiều chính sách của Nhà nước đối với “tam nông” vẫn chưa sát thực tế nông thôn,...
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường một lần nữa lưu ý thực trạng “tam nông” nước nhà: “Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm so với những năm trước. Việc huy động đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài không đáng kể; sản xuất chưa gắn với thị trường, bị động với thị trường; tình trạng được mùa rớt giá vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng trồng lúa để tìm việc khác mưu sinh, do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp”.
Hiến kế giải quyếtCác cấp hội và chính quyền địa phương phải tiếp tục suy nghĩ tìm cách kết nối giữa nhà máy, doanh nghiệp và người ND. Phải nắm chắc đầu ra thì mới có thể tính toán sản xuất đạt thu nhập cao. Hội cần tiếp tục lắng nghe, nhìn thẳng vào điều kiện từng vùng để chủ động xây dựng, đề đạt các mô hình liên kết hiệu quả nhất. Bởi đối với người ND, cách làm kinh tế phải cụ thể và mang tính ổn định cao thì mới thuyết phục được họ.
Theo ông Trần Văn Chiến – Chủ tịch Hội ND Tuyên Quang, Hội phải có tiếng nói quyết liệt hơn trong việc tham gia hoạch định chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, đó là mở rộng “hành lang” vay vốn của ND, tăng cường nguồn lực của Quỹ Hỗ trợ nông dân ở những địa bàn khó khăn,…
Bà Trần Thị Quýt – Chủ tịch Hội ND Sóc Trăng cho rằng, các địa phương phải chú trọng đầu tư công tác nâng cao trình độ tay nghề cho nông dân. Điều này cần phải làm một cách kiên trì, sáng tạo mới đem lại hiệu quả. “Khi ND được nâng cao hiểu biết, thấy được sự bền vững của một hướng làm ăn thì họ sẵn sàng đầu tư công sức. Nhiều nông dân được tạo điều kiện đi học hỏi ở nước ngoài, được mở rộng tầm nhìn, họ đã về địa phương đầu tư làm ăn rất mạnh dạn, hiệu quả” - bà Quýt nói.
Một trong những hướng phát triển thu nhập cho ND là xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quốc tế Hội NDVN Nguyễn Xuân Định, đến nay các cấp hội chỉ mới đưa được khoảng 700 ND đi làm việc ở nước ngoài. Các cấp hội địa phương không thể cứ e dè trên lĩnh vực này, mà phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, kiên trì. Ông Nguyễn Lạc – Chủ tịch Hội ND Khánh Hòa đề nghị: “Phải tập trung nâng cao trình độ của chính lực lượng cán bộ hội. Khi có sự hiểu biết thấu đáo, cộng với nhiệt tình tâm huyết với nông dân, thì “nói mới tin” và hỗ trợ được sâu sắc nhất cho cuộc sống người nông dân.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng mọi mặt công tác của Hội, sát cánh cùng “niềm vui, nỗi buồn” của nông dân - đó là nhiệm vụ tâm huyết của các cấp hội nông dân trong những năm tiếp đến.
Ông Trần Xuân Hồng-Chủ tịch Hội ND Đăk Nông:Nâng cao hiểu biết cho đồng bào Nhà nước phải tăng cường đầu tư thêm nữa để nâng cao hiểu biết khoa học kỹ thuật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi nhiều gia đình miền núi hiện vẫn sản xuất theo kiểu “nhờ trời”, việc phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên đã dẫn đến năng suất sản xuất của bà con luôn bấp bênh”. Ông Phan Văn Khế -Chủ tịch Hội ND Bình Thuận:Nông dân không thể “can thiệp” được giá
Dù đã tìm nhiều cách nhưng việc sản xuất cây thanh long của người dân Bình Thuận vẫn không thể ổn định. Bởi 80% sản phẩm xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, ND không thể “can thiệp” được giá cả với tư thương. Trái thanh long khi thu hoạch số lượng lớn thì chưa có cách bảo quản kéo dài, nên tình trạng bị ép giá, ế ẩm, đổ bỏ… cứ triền miên diễn ra.
Ông Trần Văn Cư -Chủ tịch Hội ND Phú Yên:Kinh phí cho đào tạo nghề còn hạn hẹp Kinh phí tập huấn, đào tạo nghề cho ND vẫn còn quá ít ỏi, trong khi nhu cầu nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề trong nông dân hiện rất lớn. Chính quyền nhiều địa phương đã thấy được vấn đề này nhưng không thể đầu tư sâu được, bởi… kinh phí hạn hẹp! Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội ND Bà Rịa - Vũng Tàu:Nhiều ngư dân phải bán tàu, bỏ nghềNguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong lúc việc đánh bắt kiểu hủy diệt vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Điều này dẫn đến ngư dân khai thác thủy sản đang hết sức khó khăn, rất nhiều người đã phải bán tàu thuyền, bỏ nghề. Một số ngư dân khác thì lại dễ rơi vào tình trạng “vô tình” lấn sang đánh bắt vùng biển một số nước lân cận. Đức Tuấn (ghi)
|
Hùng Phiên (Hùng Phiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.