Nơi Trung thu đến muộn
Sang tuần mới đến Tết Trung thu, thế nhưng đến Làng trẻ em mồ côi Birla Hà Nội bây giờ đã có thể cảm nhận được không khí của ngày hội trăng rằm với đèn ông sao, với bánh nướng, bánh dẻo và những tiết mục văn nghệ đang được các em nhỏ ráo riết tập luyện.
|
Đêm hội Trung thu của Làng trẻ mồ côi Birla luôn tràn ngập ánh sáng, âm thanh, nụ cười và những tấm lòng nhân ái. |
Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Đình Hải - cán bộ phòng Giáo dục, phụ trách các hoạt động phong trào của làng - hồ hởi: "Năm nay chúng tôi vẫn tổ chức một đêm văn nghệ với chủ đề "Vầng trăng yêu thương" cho các cháu trong làng. Ngoài các tiết mục ca hát, năm nay chúng tôi còn lồng ghép nhiều tiết mục đặc sắc khác do các cháu tự biên, tự diễn như trình diễn thời trang thể thao và thời trang Hà Nội 36 phố phường.
Chúng tôi cũng mời một vũ sư về dạy cho các cháu 3 tiết mục khiêu vũ để biểu diễn trong đêm hội. Với một sân khấu được thiết kế hiện đại như một sàn catwalk, chắc chắn các cháu sẽ có được một đêm Trung thu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc".
Hiện tại, Làng trẻ em mồ côi Birla Hà Nội đang có 120 trẻ sinh sống và học tập. Ông Chu Đình Điệp - Giám đốc Làng Birla - cho biết: "24 năm qua, dịp Tết Trung thu nào chúng tôi cũng nhận được rất nhiều những tấm lòng hảo tâm của các đơn vị và cá nhân.
Vào ngày này, các em không chỉ có bánh Trung thu mà còn được nhận rất nhiều các món quà giá trị và ý nghĩa khác như đồ chơi, sách vở, bút mực, quần áo, gạo, dầu… Nhờ đó, các em có được một cuộc sống tốt hơn, lạc quan hơn, cố gắng hơn để trở thành những con người có ích".
Thế nhưng, cũng vào những ngày cận kề Tết Trung thu này, khi tìm về xã Yên Trung, huyện Thạch Thất - một trong những địa phương nghèo nhất thủ đô - thì chúng tôi lại thấy ngậm ngùi cho sự thiệt thòi, thiếu thốn của những đứa trẻ nghèo ở nơi này.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Quân - Phó Bí thư Đoàn xã Yên Trung - cho biết: "Yên Trung là một xã miền núi, địa bàn rộng, dân cư không tập trung và có đến 85% dân số là dân tộc Mường. Vì thế, vào dịp Trung thu, dù rất cố gắng Đoàn thanh niên cũng không thể tổ chức nổi một sân chơi tập trung cho toàn thể trẻ em trong xã".
|
Cô bé Hoài Ngọc nâng niu món đồ chơi hiếm hoi được bố mẹ mua cho vào Trung thu năm trước. |
Anh Quân cho biết thêm, quà Trung thu cho các cháu chỉ vỏn vẹn có 10 suất quà của Ban quản lý Rừng Quốc gia Ba Vì (trị giá khoảng 150 ngàn đồng/suất) và 10 suất quà được trích ra từ nguồn ngân sách của UBND xã. 20 suất quà này sẽ được chia đều cho hơn 700 trẻ em trong xã. Đêm trung thu của các cháu chỉ có những ngọn nến nhỏ mà không có ánh đèn màu, chỉ có những bài hát chay mà thiếu đi tiếng đàn, tiếng nhạc. Còn đồ chơi Trung thu thì thực sự là một thứ quà xa xỉ đối với trẻ em ở vùng quê nghèo này.
Theo chân chàng cán bộ đoàn trẻ tuổi, chúng tôi vào thăm một gia đình người Mường ở thôn Hội. Thấy có người đến chơi, bố mẹ đi nhặt củi trên rừng chưa về, cô bé Nguyễn Hoài Ngọc vội vàng bỏ dở công việc bếp núc chạy lên đón khách. Ngọc hiện đang là học sinh lớp 4A của Trường Tiểu học Yên Trung. 3 năm học trước, Ngọc đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Ngoài những giờ đi học ở trường, về nhà, Ngọc thường giúp đỡ bố mẹ quét dọn sân vườn, vo gạo, rửa rau, nhóm bếp thổi cơm. Gạt những lọn tóc bết mồ hôi và muội bếp, cô bé cho biết chẳng mấy khi được bố mẹ mua cho bánh nướng, bánh dẻo hay đồ chơi vào mỗi dịp Tết Trung thu.
Rồi như chợt nhớ, Ngọc vào chiếc tủ kính cũ kỹ ở giữa nhà lấy ra một con búp bê nhỏ còn rất mới. Đây là món quà hiếm hoi mà bố mẹ đã mua cho cô bé vào dịp Tết Trung thu năm trước. Cô bé hầu như không dám chơi mà chỉ thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía rồi lại cất vào trong tủ. Hỏi Ngọc năm nay thích đồ chơi gì trong dịp Trung thu, Ngọc chầm chậm lắc đầu. Anh cán bộ đoàn đỡ lời: "Em nó biết bố mẹ nghèo nên chẳng bao giờ đòi hỏi gì đâu!".
Hãy mở rộng những vầng trăng nhân ái
Không chỉ trẻ em ở vùng sâu, vùng xa mới thiếu thốn trong ngày Tết của riêng mình mà nhiều khi sự vô tâm hay thiếu tinh tế của những người làm từ thiện cũng làm nên sự thiệt thòi cho chính những em nhỏ đang sống giữa thủ đô.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Minh Thu - phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương - chia sẻ: "Mọi năm, cứ vào dịp Tết Trung thu thì bánh Trung thu và đồ chơi lại tràn ngập Bệnh viện Nhi. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là sự tràn ngập đó chỉ tập trung ở một số các khoa, phòng như khoa Ung bướu, khoa Tim mạch… Trong khi nhiều khoa khác cũng có những bệnh nhân nhi bệnh rất nặng như khoa Thần kinh, Hô hấp, Nội tiết… thì rất ít nhận được hoặc không nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm.
Có nhiều đơn vị khi đến tặng quà cho bệnh viện đề nghị chỉ tặng quà cho khoa này mà không tặng quà cho khoa kia. Điều này đã làm thiệt thòi và tủi thân cho không ít các cháu bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Bà Dương Thị Minh Thu
Tôi cho rằng, đã là trẻ em thì cháu nào cũng như cháu nào. Tết Trung thu là Tết của chung các cháu. Khi các cháu đang ốm đau, phải nằm viện xa nhà, được nhận một tấm bánh, một món đồ chơi sẽ giúp tinh thần các cháu tốt hơn rất nhiều để góp phần chiến thắng bệnh tật".
Một vấn đề nữa mà chị Thu cũng rất trăn trở là quà Trung thu cho các cháu thường là bánh nướng, bánh dẻo. Có nhiều cháu trong dịp Trung thu nhận được 3 - 4 hộp bánh lớn và không thể ăn hết được. Trong khi đó, các cháu bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện còn rất thiếu thốn trong bữa ăn hàng ngày, thiếu thốn quần áo sinh hoạt, thiếu tiền mua thuốc và chữa bệnh...
Chị Thu mong muốn rằng, ngoài một lượng bánh Trung thu vừa đủ, các nhà hảo tâm có thể quy đổi quà cho các cháu sang tiền mặt để gia đình có thể chăm sóc, chạy chữa cho các cháu tốt hơn trong những tháng ngày điều trị".
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.