Kiểm soát chặt độ phì nhiêu của đất
Ở Mỹ, các chủ trại chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, đặc biệt khi vấn đề liên quan tới việc gìn giữ độ phì nhiêu của đất. Các chủ trại luôn luôn được giúp vay vốn, tham gia các hội thảo khác nhau và được tư vấn. Đầu tư tiền bạc và giúp đỡ họ, nhà nước có lợi hơn là đánh mất tài nguyên chính của đất nước- đất đai. Mỗi chủ trại là xã viên của một hợp tác xã nào đó, một số người là xã viên của hai hoặc ba hợp tác xã, ví dụ, hợp tác xã cung ứng, hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp… Điều đó giúp các chủ trại trong công việc sản xuất, nhưng chủ yếu là tiết kiệm thời gian của họ.
Theo nhận xét của các chủ trại Mỹ và Canada, kinh tế trang trại ở Mỹ tốt hơn ở Canada. Ở Canada, nhà nước không gây ảnh hưởng đặc biệt tới kinh tế trang trại, các chủ trại không nhận được tài trợ của chính phủ, tuy nhiên cũng không thể nói rằng họ không được chính phủ bảo trợ và quan tâm. Ví dụ, năm 2010, 25% chủ trại ở Canada bị thiệt hại vì mưa lũ. Ở miền Tây Canada, có những trang trại hoàn toàn mất mùa. Và nhà nước đã tìm mọi cách giúp đỡ các chủ trại đó, đền bù những thiệt hại của họ và ủng hộ khu vực nông nghiệp.
Sử dụng thiết bị công nghệ cao
Năng suất lao động nông nghiệp ở Bắc Mỹ tăng rất mạnh. Điều đó được quyết định bởi các yếu tố chủ yếu như: Xử lý đất trước khi gieo trồng và sau thu hoạch, áp dụng các công nghệ nông nghiệp mới, các thiết bị kỹ thuật có tính công nghệ cao và hiệu quả. Mỗi vụ, một chủ trại trung bình thu hoạch bình quân 4-4,5 tấn tiểu mạch hay 2-2,5 tấn cải dầu/1ha.
Về mặt kỹ thuật, có thể nói rằng một chủ trại vào loại khá giả ở Canada chủ yếu thuê, chứ không mua máy liên hợp, xe kéo, máy gieo hạt mới. Nhiều chủ trại lựa chọn mô hình sau: Thuê thiết bị kỹ thuật 1 năm, sau đó giao lại cho chủ cửa hàng và trả thêm tiền để nhận thiết bị mới. Điều này cho phép họ không phải tích trữ thiết bị cũ và tăng công suất của mình hàng năm. Về phía mình, chủ cửa hàng cũng có lợi, vì ông ta lại cho thuê hoặc bán những thiết bị đó cho những chủ trại nhỏ hơn.
Đặc biệt, các chủ trại cố gắng mua sắm các thiết bị kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết. Sở dĩ như vậy là vì thời gian, chi phí lao động và tốc độ là những yếu tố được ưu tiên hàng đầu.
Chú trọng bảo quản ngũ cốc
Xin nhấn mạnh rằng các chủ trại Bắc Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc bảo quản ngũ cốc của mình sau thu hoạch. Tại các khu vực nông nghiệp, cứ đi 2-3 cây số, bạn có thể bắt gặp những thùng chứa hình trụ nhỏ và kho bảo quản ngay trên cánh đồng. Đặc biệt, 40% những thùng chứa hình trụ này mới được lắp đặt trong vòng 10 năm gần đây, điều đó chứng tỏ các chủ trại ở Bắc Mỹ ngày càng cần nhiều hơn các thiết bị bảo quản ngũ cốc.Thực tế cho thấy, chúng mới đáp ứng 80-90% nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chủ trại chuyển sang bảo quản ngũ cốc trong các thùng chứa hình trụ, chứ không phải trong các kho bảo quản trên cánh đồng, bởi vì chúng cho phép kiểm tra chất lượng ngũ cốc đơn giản và tiện lợi hơn, đồng thời giá cả lại rẻ. Nếu chủ trại có kế hoạch làm trang trại lâu dài thì họ sẽ mua các thùng chứa bằng kim loại. Còn về diện tích gieo trồng thì mỗi chủ trại trung bình có khoảng 200-300ha.
Ở Bắc Mỹ, chủ trại thường định hướng trồng một loại cây, tùy theo khu vực sản xuất. Ví dụ, nếu nói về ngô và đậu nành thì 70% diện tích gieo trồng được định hướng tại 5 bang: Iowa, Illinois, Nebraska, Minnesota, Indiana ở Mỹ và Ontariao, Québec ở Canada. Còn tiểu mạch được trồng ở Bắc và Nam Dakota, Kansas, Montana, Texas, Whasington, Oklahoma, Colorado, Nebraska và Idaho (Mỹ), Saskatchewan, Alberta và Manitoba (Canada).
Một trang trại nhỏ điển hình ở Canada hay Mỹ gồm 8-10 thùng chứa ngũ cốc hình trụ, 1-2 kho bảo quản trên cánh đồng, một văn phòng, 1 phòng thực nghiệm nhỏ và nhà để các thiết bị kỹ thuật và đồ phụ tùng. Trong hệ thống kinh tế trang trại Bắc Mỹ, người ta đặc biệt chú ý tới các băng chuyền cơ động vì, như đã nói ở trên, tốc độ là một trong những yếu tố được ưu tiên. Một chủ trại trung bình có tốc độ vận tải ngũ cốc 200-250 tấn/giờ.
Thông thường, chủ trại trực tiếp vận chuyển ngũ cốc tới trạm gia công ngũ cốc bằng xe có rơ moóc. Loại phương tiện này đảm bảo độ tin cậy và dễ dàng sử dụng. Trọng tải của của nó là 38-40 tấn và chỉ cần 10-15 phút là có thể dỡ hàng ngay vì rơ moóc được thiết kế hai cửa ở đáy cho phép bốc dỡ ngũ cốc nhanh tại bất cứ địa điểm nào.
Hệ thống tiêu thụ ngũ cốc ở Canada cũng rất khác với các nước khác. 85% chủ trang trại Canada trồng tiểu mạch và đại mạch, họ bán ngũ cốc của mình thông qua CWB (Tổ chức Ngũ cốc Canada). Nhiệm vụ chủ yếu của CWB là làm sao để các chủ trại thu được năng suất và lợi nhuận tối đa từ việc bán tiểu mạch và đại mạch. Hội đồng quản trị của CWB gồm 15 người: 10 thành viên là các chủ trại và 5 đại diện của nhà nước. Cơ cấu đó cho phép bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên trong lĩnh vực này. CWB bảo đảm cho chủ trại giá cả tương xứng với hàng hóa của mình, bán hết 100% ngũ cốc, đồng thời chịu trách nhiệm chuyên chở ngũ cốc và chất lượng hàng hóa trong tương lai.
Thông thường, trước khi chuẩn bị tiêu thụ, các đại diện của CWB kiểm tra ngũ cốc ngay từ khi còn ở trong kho chứa của chủ trại để khẳng định chất lượng của hàng hóa. CWB chỉ phụ trách hai loại cây trồng là tiểu mạch và đại mạch.
|
Trần Hậu (Theo báo Nga) (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.