Cực dị: Lão nông Hà Nội chỉ cần nghe tiếng ho của trâu bò là biết mắc chứng gì, cần dùng loại thuốc gì

Nguyễn Hải Tiến Chủ nhật, ngày 19/06/2022 19:04 PM (GMT+7)
Dù đã có thông tin sơ bộ về cơ sở chăn nuôi trâu bò của lão nông Trần Văn Khánh, nhưng khi tận mắt thấy ngót 300 con đại gia súc đang nuôi nhốt trong các dãy chuồng, chúng tôi vẫn ngỡ ngàng trước quy mô "khủng" của đàn trâu bò ở đây.
Bình luận 0

Phải 3 lần tới Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) chúng tôi mới vào được trang trại chăn nuôi trâu bò của lão nông Trần Văn Khánh. Dù đã có thông tin sơ bộ về cơ sở này, nhưng khi tận mắt thấy gần 300 con đại gia súc đang nuôi nhốt trong các dãy chuồng, chúng tôi vẫn ngỡ ngàng trước quy mô "khủng" của đàn trâu bò ở đây.

Phát huy nghề nuôi trâu bò cha truyền con nối

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Khánh kể, tính đến nay nhà ông đã 4 đời nuôi và kinh doanh trâu bò, nên gọi là có nghề gia truyền cũng không sai! 

Trước kia nhà ông cơ bản là mua trâu, bò giống về bán kiếm lời, chỉ những con gầy yếu, bệnh tật mới để lại chữa trị, vỗ béo bán sau.

Trang trại “khủng” nuôi trâu bò của lão nông Hà Nội, chỉ cần nghe tiếng ho cũng biết bò bị bệnh gì - Ảnh 1.

Chuồng nuôi bò Brahmam tại trang trại nhà ông Trần Văn Khánh.

Bước ngoặt chuyển sang chăn nuôi trâu bò thịt của ông Khánh bắt đầu từ năm 2017. Lúc đó mọi việc đồng áng của nhà nông đều được cơ giới hóa, nhiều tuyến đê chống lũ ven sông cũng được thảm nhựa đường hoặc bê tông cứng, giúp giao thông đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, làm cho các loại cỏ mọc tự nhiên không còn đất "dụng võ" ở ven đê, ảnh hưởng tới chăn thả trâu, bò kiểu tận dụng, và người dân cũng không cần nuôi trâu bò lấy sức kéo vì đã có máy móc thay thế.

Những điều này khiến nhu cầu mua bán trâu bò ở địa phương giảm đi rất đáng kể. Nhưng nhờ có nghề gia truyền nói trên, ông Khánh đã kịp thời chuyển sang chăn nuôi trâu bò hướng thịt, và bất ngờ đạt được hiệu quả cao hơn lối mua đi bán lại sang tay trước kia.

Để đảm bảo nuôi được số lượng "khủng" trâu bò các loại, ông Khánh phải thuê lại trang trại lợn của địa phương liền kề, rồi cải tạo lại để chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng, cho ăn thức ăn kiểu bán công nghiệp.

"Thời gian đó giá heo hơi đang giảm sâu, chủ trại nuôi lợn cần tháo vốn để chuyển nghề, tôi mới thuê lại được, chứ bây giờ thì không có để mà thuê", ông Khánh cho hay.

Trang trại “khủng” nuôi trâu bò của lão nông Hà Nội, chỉ cần nghe tiếng ho cũng biết bò bị bệnh gì - Ảnh 2.

Ông Khánh thường mua bã bia cho bò ăn giúp mau lớn, giảm chi phí thức ăn. Ảnh: Hải Tiến

Theo ông Khánh, lúc cao điểm trang trại của ông nuôi tới 450 con trâu bò thịt các loại. Giống nuôi đầu vào chủ yếu là mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Đầu ra xuất chuồng rất đa dạng, từ bê nghé bán cho người nuôi thương phẩm, tới trâu bò thịt xuất bán cho các lò giết mổ. 

Giống bò nuôi cũng rất đa dạng, ngoài các giống 3B, Zebu, Brahmam là chính, còn kết hợp nuôi cả bò lai Sind và bò lang trắng đen. 

Thời gian nuôi cũng không giới hạn. Cứ có khách mua, được giá tốt là ông Khánh bán. Thông thường với trâu bò vỗ béo ông Khánh chỉ nuôi 3-5 tháng cho xuất chuồng; bê/nghé nuôi khoảng 1 năm. Đôi khi chỉ tẩy sạch giun sán và vaccine phòng bệnh cơ bản trên trâu bò là đã có khách hỏi mua.

Thu nhập "khủng" từ nuôi bò

Theo chia sẻ của ông Khánh, để đầu tư mới trang trại trâu bò lớn như của ông hiện nay, người chăn nuôi phải bỏ ra 14-15 tỷ đồng, riêng mua con giống cũng gần 8 tỷ đồng. 

Nếu chăn nuôi thuận lợi, mỗi năm sẽ được lãi thuần 2-2,5 tỷ đồng, tương ứng bình quân nuôi 1 con trâu, bò cho lãi từ 0,8-1,3 triệu đồng/tháng. Có điều kiện chăn thả hoặc tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp cho bò ăn, lợi nhuận sẽ đạt cao hơn.

"Nhìn chung chăn nuôi đại gia súc dễ hơn so với nuôi các con gia súc, gia cầm khác. Vì trâu bò ít dịch bệnh, ít rớt giá sâu dẫn đến thua lỗ đậm. Chỉ có năm 2021, tôi bị thâm vào vốn mất gần 2 tỷ đồng. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, khó bán bò và không tăng được giá bán, một phần cũng do không có điệu kiiện tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp cho bò ăn giúp giảm lỗ" - ông Khánh nói.

Trang trại “khủng” nuôi trâu bò của lão nông Hà Nội, chỉ cần nghe tiếng ho cũng biết bò bị bệnh gì - Ảnh 4.

Khu nuôi bò Lai sind tại trang trại của ông Khánh.

Thực tế Văn Đức là địa phương đất chật người đông, không còn ruộng cho trồng cỏ, nên mọi công đoạn chăn nuôi của ông Khánh đều phải đầu tư nhiều tiền của từ đầu đến cuối. Ngay cả phụ phẩm nông nghiệp như thân cây chuối, cây ngô ông Khánh cũng phải mua gom từ Khoái Châu (Hưng Yên). Rồi còn phải thuê thêm lao động, trang trại chăn nuôi,...

"Mấy năm đầu mới chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn, tôi cũng được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ khuyến khích một số cám công nghiệp. Sau đó chỉ còn được cấp đủ vaccine phòng các loại bệnh trên trâu bò, nhưng cũng đỡ được khá nhiều tiền cho công tác thú y" - ông Khánh hài lòng cho biết.

Không có được lợi thế khai thác các phụ phẩm nông nghiệp để tăng lợi nhuận chăn nuôi, nhưng ông Khánh lại có kinh nghiệm nuôi và kinh doanh trâu bò thịt từ các bậc thân sinh truyền lại, nên không phải thuê bác sĩ quản lý dịch bệnh trong trang trại.

Trang trại “khủng” nuôi trâu bò của lão nông Hà Nội, chỉ cần nghe tiếng ho cũng biết bò bị bệnh gì - Ảnh 5.

Trại nuôi giống bò 3B được ví như cỗ máy sản xuất thịt.

Các loại trâu bò gầy yếu hay bệnh tật chỉ cần qua tay ông Khánh nuôi dưỡng vài tháng lại khỏe mạnh, lớn nhanh, cho lãi tốt. Hiện giờ ông Khánh chỉ cần xem ánh mắt, nghe tiếng ho, giọng thở của trâu bò là biết mắc chứng gì, chớm bệnh hay đã trầm trọng, cần dùng loại thuốc gì cho đặc trị,… 

"Chăn nuôi trâu bò không giàu nhanh nuôi lợn, nhưng lợi nhuận đạt được thường bền vững hơn. Do vậy dù đã có bằng đại học và dễ kiếm được việc làm thu nhập cao, nhưng các con ông Khánh vẫn quyết ở nhà cùng bố, mẹ theo đuổi nghiệp chăn nuôi đại gia súc này", ông Khánh tiết lộ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem