Tranh cãi tiêu chuẩn nước mắm: Quy trình ban hành tiêu chuẩn thế nào?

Bảo Linh Thứ tư, ngày 13/03/2019 10:34 AM (GMT+7)
Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo đã được tạm dừng. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Quy trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn được thực hiện thế nào?
Bình luận 0

Việc đưa ra dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" đã tạo nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn nước mắm được thực hiện như thế nào?

Trao đổi cùng Dân Việt, luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Để có thể công bố và áp dụng rộng rãi, một dự thảo TCVN bắt buộc phải trải qua đầy đủ quy trình được quy định tại TCVN 1-1:2015 (do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia biên soạn). Sau đó Tổng cụcTiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định rồi trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố". Cụ thể:

Bước 1: Đề nghị xây dựng TCVN

Bước 2: Xét duyệt dự án TCVN và đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN

Bước 3: Biên soạn dự thảo 

Bước 4: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCVN

Bước 5: Thẩm định tiêu chuẩn quốc gia

Bước 6: Công bố tiêu chuẩn quốc gia

Bước 7: Xuất bản và phát hành TCVN”

img

Ảnh minh họa. I.T

Như vậy, cũng như các TCVN khác, để được xuất bản và phát hành, TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) soạn thảo cũng phải trải qua quy trình trên. Theo luật sư Xá, bản dự thảo TCVN này đang ở bước thứ 4 – lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCVN.

Tại bước thứ 4 này, dự thảo TCVN và bản thuyết minh được gửi đi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về việc lấy ý kiến trên trang tin điện tử (website) hoặc hình thức tương tự để lấy ý kiến rộng rãi của các bên quan tâm. Danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải lấy ý kiến được xác định trong dự án TCVN đã được xét duyệt. Thời gian lấy ý kiến là 60 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo; trong trường hợp cần thiết, thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn.

Các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được tổng hợp, tiếp thu nhằm sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo. Trong trường hợp có ý kiến chưa nhất trí, dự thảo TCVN được đưa ra thảo luận tại Hội nghị chuyên đề để tìm phương án xử lý. Thành phần tham dự Hội nghị chuyên đề có thể bao gồm các thành viên của Ban Kỹ thuật và đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi dự thảo TCVN lấy ý kiến cùng các chuyên gia khác, nếu thấy cần thiết.

img

Luật sư Phạm Quang Xá – Công ty Luật XTVN, Đoàn luật sư Hà Nội.

Trong trường hợp cụ thể của TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, hiện nay, các ý kiến trái chiều có liên quan mật thiết đến yếu tố mắm truyền thống và mắm công nghiệp. Do đó, việc tổ chức thảo luận tại các Hội nghị chuyên đề để tìm phương án là không thể tránh khỏi. Thành phần tham gia các Hội thảo này tùy thuộc vào sự quyết định của đơn vị chủ quản tổ chức lấy ý kiến.

Một câu hỏi được đặt ra: Nếu tổ chức hội thảo mà đại diện hiệp hội nước mắm truyền thống được mời ít hơn đại diện doanh nghiệp nước mắm công nghiệp thì có ảnh hưởng đến việc thông qua dự thảo hay không?

Luật sư Phạm Quang Xá nhận định: “Nếu tổ chức Hội thảo chuyên đề mà số lượng đại diện hiệp hội nước mắm truyền thống ít hơn doanh nghiệp nước mắm công nghiệp cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phái nước mắm truyền thống. Bởi lẽ, trên hết, một dự thảo TCVN phải phải đảm bảo nguyên tắc tối cao là nguyên tắc đồng thuận. Do đó, nếu không đạt được sự nhất trí, hội thảo có thể tổ chức nhiều lần và phải tiếp thu ý kiến để sửa chữa, bổ sung cho đến khi dự thảo TCVN hoàn chỉnh để đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý của pháp luật.”

*Trước những phản hồi của dư luận, báo chí và các hiệp hội, Bộ KHCN vừa yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tạm dừng công bố tiêu chuẩn nước mắm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem