Nhiều người nhận xét, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo vẫn có những ôm đồm ngoài lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, về cách giải thích từ ngữ vẫn chưa thật sâu sát…
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên, không nên đưa phát hành, xuất nhập khẩu, lưu hành băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu vào nghị định này vì các sản phẩm trên thuộc về lĩnh vực xuất bản.
TS Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ đá quý kim hoàn VN nêu ra nhiều kiến nghị xung quanh vấn đề tổ chức thi người đẹp. Theo ông Dũng, vấn đề cấp phép tổ chức các cuộc thi này ở vùng, miền, đoàn thể… chưa rõ ràng. Và với các cuộc thi có tính xã hội hoá thì nên có cách quản lý khác với các cuộc thi do cơ quan nhà nước tổ chức.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc VN than phiền về nạn vi phạm bản quyền và góp ý, trong thủ tục cấp phép biểu diễn, cần có những quy định, cam kết rõ ràng về trách nhiệm thực hiện tác quyền của đơn vị tổ chức biểu diễn. Ông Phương cho biết: Năm 2010, trong hàng nghìn cuộc biểu diễn, chúng tôi chỉ thu được có 2% tác quyền.
Nhiều ý kiến khác cũng xoay quanh việc quản lý thực tế biểu diễn ở các địa bàn rất sôi động như TP.HCM, Hà Nội hay các chương trình biểu diễn có tính chất liên địa phương, xuyên Việt hay những khía cạnh mà dự thảo chưa bao quát hết. Theo tìm hiểu ban đầu trên văn bản, chắc chắn thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh nhiều khoản mục để nghị định có thể được phê duyệt và áp dụng vào đời sống.
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.