Tranh luận về cơ quan quản lý hoạt động tôn giáo

Hải Phong Thứ bảy, ngày 21/11/2015 08:36 AM (GMT+7)
Chiều 20.11, thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) nêu quan điểm hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Cũng có ý kiến đề nghị nên giao lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quản lý thay vì Bộ Nội vụ như hiện nay.
Bình luận 0

Còn nặng “xin - cho”?

Đồng tình với quan điểm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tuy nhiên nhiều ĐB chưa đồng tình với một số nội dung được đề cập trong dự thảo. ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng không nên can thiệp sâu vào việc bổ nhiệm, phong chức chức sắc trong tổ chức tôn giáo, bởi đó là quyền của tổ chức đó theo điều lệ, hiến chương của tôn giáo đó. Nếu Nhà nước đặt ra các điều kiện phong chức, phong phẩm như dự thảo, rất có thể sẽ vi phạm hiến chương.

img

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) phát biểu thảo luận  chiều 20.11. Ảnh:   HOÀNG LONG

“Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX)  về công tác tôn giáo nêu rõ quan điểm chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng đó là tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Như vậy, nếu tín ngưỡng tôn giáo xem là nhu cầu thì việc quản lý nhà nước cần thiết kế sao cho hợp lý để đảm bảo quyền tự chủ, tự quản. Những vấn đề thuộc nội bộ, thuần túy tôn giáo thì không cần can thiệp quá nhiều, quá sâu” - ĐB Dung nhấn mạnh.

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, dự thảo chưa thể hiện hoàn toàn đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, vẫn như một văn bản hành chính khi yêu cầu tổ chức tôn giáo phải xin phép 20 lần trong quá trình triển khai hiến chương của mình, trong khi lại ít quy định về việc Nhà nước bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.

Cùng quan điểm, ĐB - linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) cho rằng luật vẫn nặng về mặt quản lý nhà nước với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà chưa chú ý cụ thể nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nhu cầu tự nhiên của con người, quyền đương nhiên của mọi người cần được tôn trọng bảo vệ theo tinh thần Hiến pháp 2013.

“Những quy định về quản lý nhà nước với hoạt động này còn nặng nề, mang tính hạn chế, nặng quan hệ xin - cho, mà đã phải xin thì có thể cho hoặc không cho. Do đó có thể sẽ dẫn đến lạm quyền trong xin - cho, tạo khe hở để một số tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam chưa có tự do tín ngưỡng, tôn giáo” - ĐB Lê Ngọc Hoàn nhìn nhận.

Quản lý phải nhanh nhạy

Từ một góc nhìn khác, ĐB  - hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, tại khoản 1, Điều 18 và Điều 19 quy định: Hoạt động tôn giáo ổn định trong vòng 10 năm mới được cho phép. “Tôi đề nghị cần làm rõ hơn nữa cơ sở nào để xác định thời gian như vậy? Quy định như vậy có thể khiến cho tổ chức tôn giáo chưa được bình đẳng với tổ chức xã hội khác và đôi khi bị hạn chế về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Tôi đề nghị thời gian không cần thiết phải 10 năm như dự luật chỉ cần đầy đủ các yêu cầu nên cho công nhận” - ĐB Quyết nói.

“Với 95% dân số có tín ngưỡng, 27% dân số có tôn giáo và hình thức quy mô phức tạp, rộng khắp, rất cần thiết phải có cơ quan quản lý xứng tầm, có quyền năng lớn, nhanh nhạy để giúp đỡ các tổ chức tôn giáo phát triển. Cơ quan đó có thể trực thuộc Chính phủ” - ĐB Thích Thanh Quyết đề xuất.

Trong khi đó, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) lại đề nghị: Với đặc thù là lĩnh vực văn hóa tinh thần, nên đưa lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo về cơ quan quản lý là Bộ VHTTDL sẽ phù hợp hơn là Bộ Nội vụ như hiện nay.

Cũng về vấn đề này, ĐB Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) và ĐB - hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) lại cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo nên độc lập để thuận lợi hơn cho công tác quản lý. 

Người bị chất vấn không được uỷ quyền trả lời thay

Sáng cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) với 83,2% số đại biểu tán thành. Theo quy định của luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận. Các cơ quan này cũng phải báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát...

Đáng chú ý, Điều 60 của luật này quy định: “Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)”. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. 

V.K.M

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem