Không được uỷ quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn

Thứ sáu, ngày 20/11/2015 15:00 PM (GMT+7)
Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND quy định người được chất vấn không được uỷ quyền cho cấp dưới trả lời thay.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn

Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Với 413 ĐB tham gia biểu quyết (chiếm 83,6% tổng số ĐBQH), trong đó có đến 411 ĐB biểu quyết tán thành (chiếm 83,2%), Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND đã chính thức được thông qua.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số các ĐB tán thành với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến tại kỳ họp trước, đồng đóng góp thêm ý kiến vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ người bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mà phải trực tiếp trả lời. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các phiên chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

UB TVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bổ sung thể hiện như tại Điều 60 và Điều 69 dự thảo Luật.

Theo đó, Điều 60 quy định: "Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);

Trường hợp đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời; Những người khác có thể được mời tham dự và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình".

Có ý kiến đề nghị không quy định nhóm vấn đề chất vấn của ĐB Quốc hội và ĐB Hội đồng nhân dân tại kỳ họp như nhau, vì hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân  cấp huyện và hoạt động của các cơ quan chính quyền ở tỉnh, huyện hẹp hơn ở các bộ, ngành.

UB TVQH cho rằng,  trong dự thảo Luật quy định chung về việc quyết định nhóm vấn đề chất vấn. Tuy nhiên, việc lựa chọn và quyết định nhóm vấn đề nào tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại kỳ họp Hội đồng nhân dân  các cấp sẽ được căn cứ vào chương trình cụ thể của từng kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu tại thời điểm đó.

Hoài Vũ (Báo Giao thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem