Tranh "nhái" rẻ rúng thị trường mỹ thuật Việt

Thứ tư, ngày 23/12/2015 16:45 PM (GMT+7)
Khác với không khí khai mạc rộn ràng, những ngày sau đó Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Vân Hồ- Hà Nội) rơi vào cảnh đìu hiu, vắng người lui tới.
Bình luận 0

Vậy mỹ thuật còn có sức hút với công chúng hay không? Việt Nam có một thị trường mỹ thuật hay không? PV có cuộc trao đổi với họa sĩ Đỗ Đức Khải.

Từng nhiều năm công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, tham gia nhiều Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, ông nghĩ sao về thực trạng của thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay?

- Họa sĩ Đỗ Đức Khải: Câu chuyện về thị trường mỹ thuật Việt Nam  thì rất rộng, nhưng có lẽ nên gói gọn thời điểm trong những năm gần đây để có thể khái quát thị trường mỹ thuật trong những giai đoạn hiện nay. Theo tôi, hiện thị trường mỹ thuật hơi trầm so với những năm trước, đó là thời kỳ đổi mới. Cho đến khoảng năm 2005 vẫn là thời kỳ hoàng kim của thị trường Việt Nam. Vì lúc đó chúng ta mới mở cửa, khách du lịch nước ngoài đến nhiều, chính vì vậy, tranh nghệ thuật Việt Nam là sự mới mẻ với du khách, vì vậy mà thị trường mỹ thuật Việt Nam cũng rất sôi động. 

img

Triển lãm mỹ thuật chỉ đông trong ngày khai mạc.

Nhưng bây giờ không còn rầm rộ nữa, do nhiều nguyên nhân. Đáng quan ngại hơn là do vấn đề đạo tranh cũng ảnh hưởng rất nhiều. Một số gallery mua tranh hoạ sĩ, sau đó sao chép thành nhiều bản. Thậm chí có nghệ sĩ sao chép, nhân bản chính tranh của mình thành 2-3 bản. Vậy là từ việc họ mua 1 tác phẩm nghệ thuật, bức tranh không có giá trị vì bị “đạo” nên khách nước ngoài rất dè chừng khi mua tranh Việt Nam. Từ những năm 2000 trở lại đây, có nhiều đổi mới, nhưng ở Việt Nam, vai trò của các gallery chưa làm nóng được thị trường, bởi chúng ta vẫn theo cách làm lối mòn cũ. Hiện nay thị trường đòi hỏi nhiều tác nhân, nhiều cách làm, nhiều thể thức làm việc khác nhau mới có thể đưa được tranh nghệ thuật Việt Nam tới được với công chúng của nước ngoài. Bởi vì, toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bán cho người trong nước không nhiều mà chủ yếu cho khách nước ngoài. 

Thưa ông, trong khuôn khổ Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 có một hội thảo về vai trò của giám tuyển nghệ thuật. Như vậy, để một triển lãm, một phòng trưng bày… có sức hút hay không, nhìn rộng ra là thị trường mỹ thuật có sức ảnh hưởng tới công chúng hay không, cần lắm vai trò định hướng của giám tuyển?

- Ở đây một vấn đề đang đặt ra là  các gallery, giám tuyển có phát huy được khả năng hay không. Tôi đã từng đi triển lãm tại Bắc Kinh (Trung Quốc), triển lãm tranh sơn mài Việt Nam ở Seoul (Hàn Quốc), qua những lần đi giao lưu đó, mới thấy rằng thị trường Việt Nam rất chững. Đặc biệt là mỹ thuật Việt Nam với các nước khác hầu như không biết đến nhiều. Ví dụ, tranh sơn mài Việt Nam được làm từ những chất liệu rất quý, nhưng ở nước ngoài không biết đến, điều đó cũng rất thiệt thòi. Tại Việt Nam, hiện vai trò của người giám tuyển, của gallery tổ chức triển lãm tranh, tổ chức bán tranh ở nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện, và cũng đã có người đã làm tương đối thành công. Nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún. 

Một băn khoăn đang được đặt ra: Tại sao mỹ thuật không có sức hấp dẫn công chúng- nhất là thông qua những triển lãm qui mô như thế này? Vậy mỹ thuật Việt Nam đang thiếu điều gì?

- Điều cần nhất là chúng ta nên học hỏi ở các thị trường khác về tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức, trưng bày một cuộc triển lãm để giới thiệu tranh nghệ thuật với công chúng. Ở đó họ làm rất chuyên nghiệp. Từ khi hoạ sĩ phác thảo bức tranh, họ đã có thể bám sát, theo dõi ý tưởng đó, đến lúc hình thành và hoàn thành tác phẩm nghệ thuật họ đã có cả một bài viết kể về bức tranh đó, để bạn đọc có thể hiểu cả câu chuyện về bức tranh đó, về lai lịch, về lịch sử, về ý tưởng tác giả, các thể hiện… Khi đã biết được toàn bộ câu chuyện về bức tranh đó, người ta sẽ quan tâm đến bức tranh và tác phẩm nghệ thuật đó sẽ giá trị hơn rất nhiều. 

Thứ hai, khâu quảng bá sự kiện trước triển lãm họ làm rất rầm rộ qua mọi kênh thông tin đại chúng, báo chí, internet, truyền hình. Ngoài công chúng nói chung, họ còn có những đối tượng khách mời tiềm năng, là những nhà sưu tập tranh, những người có điều kiện mua tranh… Cùng với đó là  không gian tổ chức triển lãm rất tốt. Bên cạnh triển lãm, các đơn vị tổ chức có hội thảo, gặp gỡ giao lưu giữa nghệ sĩ với công chúng để hai bên có cơ hội xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Khi đó người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua và sở hữu tác phẩm nghệ thuật đó. 

Còn ở Việt Nam hiện nay, như đã thấy, Triển lãm Mỹ thuật 2015 cũng chỉ rầm rộ có hôm khai mạc, còn những ngày bình thường công chúng rất ít chủ yếu là những người làm nghệ thuật đến xem. Có quan niệm cho rằng đây là triển lãm tổ chức dành cho giới mỹ thuật, nghệ sĩ, mình vào xem có khi phải mua vé… Thế nên những hoạt động như thế này trong mắt công chúng vẫn có hàng rào, chứ chưa trở thành sân chơi rộng rãi… 

Trân trọng cảm ơn ông! 

Hoàng Minh (Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem