Trẻ được đi học sẽ  tăng 10% thu nhập khi trưởng thành

Mỵ Lương – Nguyễn Lê Thứ năm, ngày 07/07/2016 06:31 AM (GMT+7)
5,5 triệu trẻ em Việt Nam đang nghèo “đa chiều” là số liệu được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố ngày 6.7. Trong đó, “nghèo học” khiến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi lớn lên càng nghèo hơn.
Bình luận 0

Thiệt thòi đủ đường

Theo báo cáo, tại Việt Nam, do điều kiện dinh dưỡng nghèo nàn, điều kiện vệ sinh còn lạc hậu nên vẫn còn tỷ lệ lớn trẻ em nghèo suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở nhóm dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em thất học cao, nhất là ở các dân tộc thiểu số. Cụ thể, có tới ¼ trẻ em người Mông trong độ tuổi đến trường chưa từng được đi học.

img

img

img

Sinh hoạt của học sinh tại Trường Tiểu học bán trú Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái.   
  ảnh: Nguyễn Lê

Tại lễ công bố, em Chấu Thị Tảo (17 tuổi, dân tộc Mông, trú tại Lào Cai) chia sẻ: “Trẻ em nghèo ở khu vực vùng cao, vùng sâu vùng xa khó có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế nên ít có cơ hội phát triển toàn diện”. Dù được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai từ năm 8 tuổi, vắng tình yêu thương của bố mẹ nhưng Tảo vẫn thừa nhận mình may mắn hơn nhiều trẻ em Mông khác. “Chúng em thiệt thòi về cơ sở vật chất, không được ăn uống đầy đủ, không có điều kiện vui chơi. Trẻ em gái dân tộc thiểu số vẫn bị phân biệt, thậm chí bị cướp đi quyền được đi học, được theo đuổi ước mơ của mình. Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra rất phổ biến. Bản thân em may mắn không phải kết hôn sớm và được tiếp tục đến trường, nhưng có rất nhiều người bạn mà em quen biết vẫn phải chịu tình trạng này” - Tảo nói.

img

Dù ở thị trấn, nhưng mỗi ngày em Phủng Thị Phin - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nà Ca (thị trấn Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) phải đi bộ mất hơn 1 giờ mới tới được trường. Nhà em ở tận trên ngọn núi cao. Những hôm nào trời nắng ráo, em đi học cũng đỡ vất vả. Hôm nào trời mưa, rét, đường trơn, em vào lớp với quần áo ướt nhẹp vì đường trơn, trượt ngã. Em gầy và nhỏ hơn rất nhiều so với các em cùng độ tuổi.

Để đến trường, Phin rất vất vả nhưng em vẫn cảm thấy rất vui vì còn được đi học. Với em Lý Văn Nảy- học sinh lớp 5- chưa tốt nghiệp tiểu học nhưng bố mẹ em đã chuẩn bị cho em mấy con bò để chăn. Nảy chia sẻ: “Bố em bảo, học xong lớp 5, ở nhà chăn bò. Khi nào bò lớn, bố sẽ bán bò giúp em lấy vợ. Bố bảo không cần học nhiều làm gì mặc dù em cũng bày tỏ là thích đi học”.

Theo cô Nông Thị Lới – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, ở trường có nhiều em học khá lắm nhưng rất ít em học được lên cao, nhất là con gái vì bố mẹ nghèo và quan niệm đi học nhiều cũng chẳng để làm gì. Nhiều lắm tới lớp 9 là nghỉ, ở nhà lấy vợ, lấy chồng, làm nương, nuôi bò. Cuộc sống lại luẩn quẩn trong đói nghèo, chẳng biết làm thế nào mà thoát ra được.

Có học mới giảm nghèo

Cô Phạm Thị Hương Trà – Hiệu phó Trường THCS và THPT Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho hay, trường có gần 300 em học sinh, chủ yếu là các em người Mông. Trong các gia đình người Mông, các em phải lao động từ rất sớm. Đến cấp 2, hầu hết các em đều là lao động chính trong gia đình. Nên có khi các em nghỉ học 1 ngày, 2 ngày, có khi cả tuần... “Chúng tôi cũng sắp xếp lại lịch giảng dạy để cho các em có thời gian về giúp cha mẹ vào mùa thu hoạch. Một phần khiến các em bỏ học sớm là nạn tảo hôn. Nhà trường cũng kết hợp với chính quyền thuyết phục nhưng phong tục tập quán khó thay đổi một sớm một chiều” – cô Trà chia sẻ.

Theo ông Youssouf Abdel – Jelil - Trưởng  đại diện của UNICEF tại Việt Nam nhận định, giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xóa bỏ vòng luẩn quẩn của thiệt thòi và dễ tổn thương qua nhiều thế hệ. Việc đầu tư vào trẻ em thiệt thòi nhất không chỉ đúng về nguyên tắc mà còn giúp mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho quốc gia. Cứ thêm mỗi năm học mà thanh thiếu niên trên toàn đất nước hoàn thành, thì trung bình sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo của quốc gia xuống 9%. Và cứ thêm một năm trẻ được đi học sẽ giúp các em tăng thêm khoảng 10% thu nhập khi trưởng thành. “Các giải pháp như hỗ trợ tiền mặt có thể giúp các em được đi học lâu dài hơn, học lên các bậc cao hơn có thể mang lại lợi ích cho quốc gia” – ông Youssouf Abdel -Jelil nói.

Còn bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thừa nhận, xã hội hiện nay dù đã có sự quan tâm nhất định đến đời sống trẻ em nhưng sự mất công bằng vẫn đang diễn ra. “Chúng tôi đang cố gắng có tiếng nói mạnh mẽ nhằm tạo nên sự công bằng cho mọi trẻ em. Trong thời gian tới vấn đề đặt ra cần phải tạo cơ hội cho trẻ em, đặc biệt với những trẻ em yếu thế chịu nhiều thiệt thòi” – bà Minh nói.

Hiện Việt Nam đang có trợ cấp bằng tiền mặt đối với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, song song với đó, Chính phủ cần triển khai hệ thống dịch vụ để tất cả trẻ em được tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt nhất thuộc các lĩnh vực như: giáo dục, y tế…”.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem