Đôi khi con bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, nếu phải trải qua giai đoạn như căng thẳng trước một kỳ thi hoặc gặp biến cố trong cuộc sống. Một nghiên cứu mới cho thấy những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như nguy cơ cao hơn về ý định hoặc hành vi tự tử khi chúng lớn hơn.
Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Rebecca Bernert (một nhà nghiên cứu về tự tử và là người sáng lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu phòng chống tự tử Stanford ở California) được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng ở trẻ em 10 tuổi có liên quan đến nguy cơ cao gấp 2,7 lần về ý định và hành vi tự tử, 2 năm sau đó.
Tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 10 đến 14 tuổi, một nhóm cũng có tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao. Và rối loạn giấc ngủ cũng là nguyên nhân gây tự tử ở người lớn, bất kể người đó có triệu chứng trầm cảm hay không, các tác giả cho biết.
Sở dĩ có kết luận trên bởi nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hơn 8.800 trẻ em tại 21 địa điểm trên khắp nước Mỹ khi chúng 9 hoặc 10 tuổi. Người giám hộ đã trả lời các bảng câu hỏi về sức khỏe giấc ngủ của con mình. Các tác giả cũng đã thu thập thông tin chi tiết về tiền sử gia đình bị trầm cảm, xung đột gia đình và sự giám sát của cha mẹ.
2 năm sau, 91,3% số trẻ em có giấc ngủ bình thường (từ độ tuổi 11-12 tuổi) không có ý định hoặc hành động tự tử kể từ lần thu thập dữ liệu đầu tiên. Nhưng trong số trẻ có tình trạng mất ngủ nghiêm trọng thì đã từng có ý định hoặc hành động tự tử cao.
Tỷ lệ này vẫn duy trì ngay cả sau khi các tác giả tính đến các yếu tố khác làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng và xung đột gia đình hoặc tiền sử trầm cảm. Nguy cơ cao hơn ở những người tham gia là người da màu và nữ thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc gặp ác mộng hàng ngày có liên quan đến nguy cơ hành vi tự tử cao gấp 5 lần.
Tiến sĩ Christopher Willard, một nhà tâm lý học tại Massachusetts và là cộng sự giảng dạy về khoa tâm thần tại Trường Y Harvard ở Boston cho biết, giấc ngủ quan trọng đối với trẻ sơ sinh nhưng chúng ta quên mất rằng giấc ngủ cũng cực kì quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên và tiền vị thành niên.
"Bởi, bộ não thay đổi nhiều trong những năm đầu đời, đó là lý do tại sao giấc ngủ lại cần thiết cho sự phát triển của não bộ đến vậy", tiến sĩ nhấn mạnh
Tác hại của việc thiếu ngủ có thể liên quan đến tự tử?
Chaudhary, giám đốc y khoa tại Modern Health, cho biết rối loạn giấc ngủ là dấu hiệu ban đầu của có liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Căng thẳng trong học tập, bài tập về nhà, thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ cũng góp phần gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt là tâm trạng lo lắng, điều chỉnh cảm xúc.
Giấc ngủ hỗ trợ điều chỉnh mức độ chất dẫn truyền thần kinh, quá trình trao đổi chất, tính dẻo của não và làm sạch các protein thải độc hại khỏi não. Khi thiếu ngủ, gây ra tình trạng mệt mỏi, có thể làm suy yếu khả năng ra quyết định. Khả năng đối phó với các tác nhân gây căng thẳng giảm đi và sự bốc đồng tăng lên, khiến giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn.
Cách phụ huynh giúp con mình có giấc ngủ lành mạnh
Tiến sĩ Willard cho biết ở mọi lứa tuổi, trẻ em cần có thói quen tốt vào ban đêm để hỗ trợ giấc ngủ lành mạnh. Hãy duy trì giờ giấc đi ngủ và thói quen nhất quán.
Đó là 1 giờ trước khi đi ngủ, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ, bài tập về nhà và hoạt động thể chất. Thay vào đó hãy thư giãn như đọc sách, viết nhật ký hoặc nghe nhạc êm dịu.
Trẻ em dễ đi vào giấc ngủ hơn nếu ban ngày tập thể dục, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngủ trưa ít.
Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần và rối loạn tăng động giảm chú ý. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy thói quen ngủ của con mình thay đổi đột ngột, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa và theo dõi tình hình, đồng thời cân nhắc các cách điều chỉnh thói quen ngày và đêm.
Các chuyên gia và người thân không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được nỗ lực tự tử của trẻ, nhưng đôi khi có những dấu hiệu cảnh báo, bao gồm thay đổi tâm trạng cực độ, tuyệt vọng hoặc mất hứng thú với các hoạt động. Lúc này, cha mẹ hãy chuyện cởi mở với con và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Các chuyên gia cũng cho biết sự quan tâm, giám sát của cha mẹ có thể có tác động sâu sắc đến trẻ. Đặc biệt, tần suất ăn tối của gia đình, các thành viên dành thời gian cùng nhau cũng liên quan đến việc giảm 15% nguy cơ hành vi tự tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.