Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Huy Ngọc - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong điều trị ung thư được phát triển bởi tập đoàn IBM với nền tảng bao gồm hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 đầu sách y khoa trên thế giới được cập nhật liên tục; hàng chục triệu hồ sơ bệnh án cùng với hệ thống hướng dẫn điều trị hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tới nay, hệ thống này hỗ trợ thông tin liên quan tới 13 loại ung thư như ung thư vú, phổi, ống thực quản, gan, tuyến giáp, trực tràng, đại trực tràng, cổ tử cung, buồng chứng, dạ dày, tuyến tiền liệt, bàng quan, nội mạc tử cung.
Việc áp dụng "trí tuệ nhân tạo" vào điều trị ung thư sẽ giúp giảm tải công việc cho bác sĩ, cũng như đưa ra được phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
“Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và các bệnh viện khác trên thế giới, trí tuệ nhân tạo (IBM Watson for Oncology) không thay thế bác sĩ nhưng sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giảm tải công việc của các bác sĩ, giúp các bác sĩ có nhiều thời gian dành cho người bệnh, giúp cập nhật nhanh các kiến thức mới cho các bác sĩ. Bên cạnh đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology này sẽ gợi ý nhiều phác đồ tốt, qua đó, bác sĩ sẽ lựa chọn được phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân cụ thể…”, tiến sĩ Ngọc chia sẻ.
Theo ông Phạm Huy Triều - Giám đốc Khối bảo hiểm Five9 Việt Nam cho biết, hệ thống trí tuệ nhân tạo (IBM Watson for Oncology) đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ.
Hệ thống chưa chẩn đoán và không chịu trách nhiệm điều trị, không hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư cùng một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi. Vậy nên, IBM không thể thay thế bác sĩ mà chỉ đưa ra nhiều thông tin hơn, hỗ trợ bác sĩ trong điều trị và đưa ra cho người bệnh những lựa chọn điều trị phù hợp theo hướng dẫn cập nhật.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm từ tháng 3.2018. Đến nay, đã có trên 100 người bệnh (phần lớn là bệnh nhân mắc ung thư vú, phổi) đến điều trị. Sau 7 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả cho thấy, sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM Watson for Oncology đưa ra và phác đồ của bác sĩ trong bệnh viện là trên 90%. Điều này cho thấy, các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới. Nhiều người bệnh đã có sức khỏe rất tốt sau điều trị.
Tại hội thảo, nhiều bác sĩ cũng cho rằng, IBM Watson for Oncology không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị.
Việc quyết định điều trị cuối cùng cần phải dựa trên kiến thức, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể… bởi lẽ điều trị ung thư không những cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của người thầy thuốc, như vậy mới có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.