Triển khai kỹ thuật cao trong điều trị lao

Thứ ba, ngày 27/12/2011 23:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng ngày, Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ tiếp nhận khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân lao khu vực ĐBSCL. Rất nhiều hướng điều trị mới, kỹ thuật cao đã được triển khai tại đây.
Bình luận 0

Là bệnh viện loại 2 nhưng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP. Cần Thơ đã trở thành bệnh viện trung tâm của khu vực ĐBSCL về công tác điều trị bệnh lao. Riêng tại TP. Cần Thơ từ năm 2006 đến tháng 9.2011 có 11.851 trường hợp bị lao tới khám, điều trị. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 người bị bệnh lao, trong đó lao phổi AFB (+) chiếm đa số (7.558 trường hợp). Đáng quan tâm là 2 năm trở lại đây có 42 trường hợp lao kháng thuốc được điều trị tại bệnh viện và đối tượng bệnh lao ngày càng trẻ hóa (18-35 tuổi).

img
Điều trị cho bệnh nhân lao tại Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ cho biết, việc đưa kỹ thuật cao vào công tác khám, điều trị nhằm phát hiện sớm để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Ngoài việc đưa bác sĩ của bệnh viện đi học tập nâng cao, 100% đội ngũ bác sĩ của bệnh viện được đào tạo chuyên khoa I, 30% bác sĩ chuyên khoa II. Bệnh viện còn thường xuyên mời đội ngũ bác sĩ chuyên khoa từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) về chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án Phòng chống lao quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới, kỹ thuật mới từ Hà Lan…

Ngoài ra Bệnh viện cũng đẩy mạnh các biện pháp phát hiện lao sớm và chính xác khi đưa vào sử dụng kỹ thuật cấy trong 10 ngày cho kết quả và kỹ thuật chẩn đoán lao trong 20 giờ, 2 giờ, kỹ thuật nội soi màng phổi…

Từ đó, kết quả điều trị bệnh lao tại bệnh viện ngày càng đạt hiệu quả cao, kết quả điều trị lao phổi AFB (+) âm hóa đạt 94,50%; lao phổi AFB (-) đạt 89,50%, lao ngoài phổi đạt 89,55%, lao các thể đạt 90,57%. Đặc biệt, kết quả điều trị lao/HIV đạt kết quả khá cao, trung bình 70% khỏi bệnh và 100% bệnh nhân lao kháng thuốc được âm hóa dần, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục trong tầm kiểm soát.

Để phát hiện sớm bệnh lao, ngoài việc thành lập các tổ lao có bác sĩ chuyên môn phụ trách ở tất cả các quận, huyện, bệnh viện triển khai phối hợp y tế công- công và công- tư, bằng cách phát phiếu cho tất cả các phòng mạch, nhà thuốc công- tư khi khám và bán thuốc cho người bệnh nghi lao thì viết giấy giới thiệu người bệnh đến tổ lao gần nhất ở địa phương để khám và phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả, miễn phí. Qua đó hàng năm tỷ lệ phát hiện tăng lên 3-5%.

Tuy nhiên, bác sĩ Nhàn cũng cho biết, cái khó hiện nay của bệnh viện là cơ sở vật chất và con người không đáp ứng yêu cầu thực tế người bệnh. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải và thiếu đội ngũ y bác sĩ nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Hiện tại, UBND TP.Cần Thơ đã thống nhất chủ trương xây dựng bệnh viện lao và bệnh phổi từ 60 giường lên 200 giường bệnh đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận, nhưng kế hoạch đến năm 2015 bệnh viện mới hoàn thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem