Triển khai sữa học đường: Vì sao Hà Nội náo loạn, TP.HCM yên ả?

Thứ sáu, ngày 23/11/2018 09:14 AM (GMT+7)
Gần như đồng thời, cả hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội cùng triển khai chương trình Sữa học đường. Tại sao ở Hà Nội, phụ huynh luôn trong trạng thái thấp thỏm lo ngại thì tại TP.HCM, mọi chuyện lại diễn ra khá yên ả?
Bình luận 0
TP.HCM: Thí điểm - Hà Nội: Triển khai luôn
 
Ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, với chương trình sữa học đường, trong năm học 2018-2019, TP.HCM chỉ triển khai thí điểm học sinh lớp 1 tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Năm tiếp theo sẽ triển khai với trẻ mẫu giáo, rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.
 
Còn tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến thông tin, Chương trình sữa học đường sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019. Sở đã gửi văn bản đến Hiệu trưởng từng trường tiểu học mầm non thông báo về việc này.
 
Theo đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn thành phố đều nhận được giấy đăng ký tham gia chương trình sữa học đường. Giấy đăng ký gồm 2 phần: phần 1 giới thiệu về đề án sữa học đường, phần 2 là gia đình học sinh đăng ký tham gia chương trình, với câu hỏi: Quý vị có đồng ý cho con uống sữa tại trường theo Đề án Chương trình sữa học đường, cùng lựa chọn câu trả lời Đồng ý/Không đồng ý kèm "vui lòng cho biết lý do không đồng ý tham gia".
 
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng có những trường, 100% số học sinh đồng ý tham gia chương trình sữa học đường nhưng cũng có những trường thì chưa đến 50% học sinh đăng ký. Theo tìm hiểu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì phụ huynh đều có nhu cầu cho con uống sữa nhưng ngần ngại chưa biết chính xác hãng sữa nào sẽ cung cấp sữa cho con mình và sữa có đảm bảo hay không.
 
"Khi đơn vị trúng thầu, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho phụ huynh học sinh và nhà trường sẽ tiến hành đăng ký chính thức cho con em họ". Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, việc đăng ký vừa qua là "Thử" để các hãng sữa tham khảo khả năng cung ứng sữa của mình.
d69942499fc9f246f562ce3d89cbeaab26.jpg
Sự khác biệt giữa triển khai sữa học đường tại Hà Nội và TP.HCM
Hà Nội hứa hẹn sữa học đường là loại "sữa chuyên biệt”
 
Tại buổi thông tin báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên bố: Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh thủ đô. Sữa này bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ. Sản phẩm không bán trên thị trường và có tem mác riêng.
 
Về phía phụ huynh, chị Trịnh Tú Huyền (Nguyễn Du, Hà Nội) chia sẻ: "Sữa học đường là loại sữa pha chế riêng, trên thị trường không có. Tôi lo lắm, nhỡ khâu giám sát không cẩn thận, người ta pha sữa bột Trung Quốc cho các con uống thì sao. Mà sữa uống xong lại thu lại vỏ hộp, như vậy thì phụ huynh không thể biết là con mình uống sữa gì để mà kiểm soát và theo dõi".
 
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra quan điểm: Nếu chúng ta chỉ sản xuất một loại sữa riêng cho dự án sữa học đường thì với tính chất sản xuất ra đến đâu sẽ tiêu thụ ngay đến đó, khi đó rất có thể các nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc sử dụng các nguyên liệu có hạn sử dụng ngắn, cận hạn để giảm giá thành, cung cấp cho nhà trường. Các vấn đề lợi ích khác so với sử dụng sữa thông thường cũng chưa được chứng minh".
 
Với chương trình Sữa học đường, phụ huynh sẽ chi trả 50%, ngân sách hỗ trợ 30%, số còn lại do doanh nghiệp sữa hỗ trợ.
 
Riêng với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập (được cấp phép theo quy định của pháp luật) đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ phần còn lại.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem