Triết lý "6 cây 2 con" đất nghèo Quảng Trị: Vực dậy cà phê Khe Sanh

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 14/12/2017 09:07 AM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch hành động cụ thể đến năm 2020 tái canh được gần 2.000ha cà phê chè để lấy lại thương hiệu cho cà phê Khe Sanh. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng FSC để có thu nhập cao.
Bình luận 0

Nỗ lực nâng chất cà phê Khe Sanh

Từ năm 2011 trở về trước, thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng thị trường trong và ngoài nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hơn 8.600 hộ dân, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Ấy thế mà từ năm 2012 trở lại đây, người trồng cà phê điêu đứng bởi năng suất, chất lượng và giá cà phê xuống thấp.

img

Người dân huyện Hướng Hóa thu hoạch cà phê theo kiểu tuốt cành, tỷ lệ quả chín thấp dẫn đến chất lượng cà phê xuống thấp, giá bán giảm theo.  Ảnh: Ngọc Vũ

Quảng Trị đang kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trồng rừng FSC như Công ty CP Tổng cty Thương mại Quảng Trị đang làm; nghiên cứu, nhân rộng những loại giống keo mới có chất lượng cao và nâng cao kỹ thuật trồng rừng cho nông dân…

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, tính đến cuối năm 2016 tỉnh có gần 4.700ha cà phê chè Catimor, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê chè cả nước. Những năm gần đây, năng suất cà phê giảm mạnh. Riêng năm 2016, năng suất cà phê nhân chỉ đạt 13,5 tạ/ha, giảm 3,2 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng đạt 5.829 tấn, giảm gần 2.000 tấn so với năm 2013. Có thời điểm giá cà phê chạm mức đáy 3.000 đồng/kg, thu không bù chi nên nhiều chủ vườn để cà phê chín rụng không thu hái, chăm sóc.

Năng suất, chất lượng cà phê chè Quảng Trị giảm sút mạnh vì trên 50% diện tích trồng từ năm 1995, nay đã già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng, người trồng thiếu kỹ thuật, nguồn nước phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên…

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cuối tháng 4.2017, tỉnh đã ban hành đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, có tính đến 2025 nhằm tái canh được 1.900ha cà phê, cưa đốn cải tạo 450ha; đưa năng suất đạt bình quân 14-16 tấn quả tươi/ha; sản lượng tăng gấp đôi hiện nay.

Nguồn vốn tái canh cà phê dự toán hơn 258 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 50% giá giống (2,5 tỷ đồng), còn lại vốn tự có của người dân, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án…  Theo kế hoạch, mỗi năm Quảng Trị sẽ tái canh 200ha.

img

Người dân Quảng Trị thu hoạch cà phê đặc sản. Ảnh: N.V

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, muốn khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh, ngoài tái canh thì nông dân cần tuân thủ quy trình thu hái với tiêu chuẩn quả chín trên 95%, không ngâm nước, không trộn tạp chất để nâng cao chất lượng, giá bán cà phê; doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân và cần đổi mới công nghệ chế biến cà phê.

Tăng thu nhập từ trồng rừng FSC

Bước ra khỏi chiến tranh, ở Quảng Trị, diện tích rừng phủ xanh chỉ 19%. Nhờ làm tốt công tác trồng, bảo vệ rừng, đến nay diện tích rừng phủ xanh ở “đất lửa” lên tới 49%, cao nhất cả nước, nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng rừng. Những năm gần đây, người dân Quảng Trị còn hướng đến trồng rừng theo chứng chỉ FSC (phát triển và quản lý rừng bền vững) để tăng thu nhập.

img

img

Ông Lê Biên Hòa (thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) là một trong những nông dân đầu tiên của Quảng Trị trồng rừng FSC. Ông Hòa cho biết, năm 2007 được sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị đã triển khai mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ nông dân đã tham gia trồng rừng Việt – Đức tại 2 xã Trung Sơn (Gio Linh) và Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh).

Năm 2010, mô hình được đánh giá lần đầu tiên và cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm (2010 – 2015) cho 316ha rừng của 118 hộ gia đình thuộc hai xã nói trên. 10ha rừng của ông Hòa sau 10 năm chăm sóc cây rất to, bán được hơn 1,5 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha rừng được cấp chứng chỉ FSC có giá bán trên 150 triệu đồng, gấp hai lần rừng trồng thông thường.

Nhằm giúp nông dân có vốn trồng rừng FSC, Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã mạnh dạn cho dân vay vốn đầu tư với lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại 2%/năm; đồng thời bao tiêu toàn bộ gỗ có chứng chỉ FSC cho nông dân với giá cao hơn so với giá thị trường cùng thời điểm 30%. Chỉ trong 2 năm 2015-2016 công ty đã giúp hàng trăm nông dân có hơn 2.100ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Hồ Xuân Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty CPTổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ, liên kết với nông dân để tăng diện tích rừng trồng FSC. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, để nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu thô sản phẩm gỗ dăm ra nước ngoài mà hãy liên kết sản xuất ra gỗ thành phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem