Triều Tiên thử tên lửa như... chơi trò ú tim

Thứ tư, ngày 12/12/2012 17:24 PM (GMT+7)
Dân Việt - Đúng phong cách của CHDCND Triều Tiên là “tung hỏa mù những lúc cần thiết”, sáng 12.12, tên lửa của Bình Nhưỡng đã được phóng đi từ trung tâm vệ tinh Sohae, khiến cả thế giới đều bất ngờ.
Bình luận 0

Bât cứ ai đặt ra câu hỏi với Triều Tiên: "Tại sao lại phóng tên lửa?" đều nhận được câu trả lời từ họ: “Tại sao không?”. Đúng vậy, người Triều Tiên coi những vụ phóng hạt nhân mang tên lửa tầm xa là những dấu mốc trong sự phát triển công nghệ của họ. Vụ phóng tên lửa sáng 12.12 là một trong những niềm tự hào vô tận cho dù phần lớn dân số họ đang sống trong đói nghèo và mặc cho cộng đồng quốc tế sôi sục phản ứng.

Đánh bóng tên tuổi

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản coi vụ phóng tên lửa mà theo như CHDCND Triều Tiên cho biết được thiết kế nhằm đưa một vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo là một vụ thử nghiệm công nghệ để đến một ngày nào đó sẽ được dùng để bắn đầu đạn hạt nhân nhằm vào những mục tiêu xa, xuyên lục địa, như Mỹ.

Hãng thông tấn quốc gia Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin: "Vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch". Vụ phóng diễn ra lúc 9 giờ 49 phút (giờ địa phương) và chỉ sau 30 phút, Nhật Bản đã có tin, mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên rơi trên biển ngoài khơi Philippines.

img
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh USnews.

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản đã xác nhận, tên lửa được phóng trước 10h sáng giờ địa phương, và đã không bị thất bại như vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư. Ông Cho Min - chuyên gia thuộc Viện Thống nhất quốc gia tại Hàn Quốc nhận định: "Đây là một cú huých đáng kể trong việc củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un".

Tuy nhiên điều đáng nói là thời điểm phóng tên lửa của Triều Tiên đều khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Trước đó chỉ một ngày, nguồn tin tình báo, cũng như thông tin thu thập được từ vệ tinh đều cho thấy, Bình Nhưỡng dỡ bỏ một phần tên lửa, có vẻ để khắc phục sự cố kỹ thuật. Cùng với thông báo lùi thời gian phóng thêm một tuần, dự kiến đến 29.12 và hành động nói trên, thế giới dường như tin rằng, Bình Nhưỡng sẽ không thể phóng tên lửa trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, như chơi trò ú tim, Bình Nhưỡng đã làm cả thế giới sôi sục.

1,3 tỷ USD cho vụ phóng

Theo hãng tin CNN, tính toán chi phí của vụ phóng tên lửa ngày 12.12 đã lên đến 1,3 tỷ USD, tương đương với khoản tiền mua được 4,6 triệu tấn ngô. Theo giới chức Hàn Quốc, nếu dùng số tiền đó để mua lương thực, Triều Tiên sẽ đủ ăn trong vòng từ 4 -5 năm.

Hãng tin Mỹ CNN bình luận có ba lý do dẫn tới động thái phóng tên lửa của Triều Tiên vào thời điểm này: mặc cả với quốc tế, củng cố uy tín của chính quyền và các tính toán chiến lược.

Cho đến nay, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên - đất nước mà theo dự đoán của LHQ là có tới 1/3 dân số bị thiếu ăn - đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc mở cửa nền kinh tế trong năm qua. CDCND Triều Tiên vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc và tiền gửi về của hàng chục nghìn người Triều Tiên lao động ở nước ngoài.

Trong bối cảnh quy mô kinh tế èo uột với thu nhập mỗi đầu người chỉ đạt chưa tới 2.000 USD/năm, một trong những cách hiếm hoi để Triều Tiên có thể thu hút sự chú ý của thế giới là chú trọng vào mối đe dọa về quân sự. Bình Nhưỡng muốn Mỹ nối lại viện trợ và công nhận nước này về mặt ngoại giao, mặc dù vụ phóng thử tên lửa hồi tháng 4 đã khiến Mỹ hủy bỏ một thỏa thuận viện trợ lương thực cho nước này.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, vụ phóng đã phần nào chứng tỏ, Bình Nhưỡng đã tiến bộ vượt bậc về phát triển tên lửa. Tên lửa đẩy lần này được cải tiến từ tên lửa “Teapodong-2” mà Triều Tiên phóng hồi tháng 4.2009 với ba tầng nhiên liệu dài 30m có thể đạt tầm bắn 6.000km. Sau khi tầng thứ nhất tách ra khỏi tên lửa đẩy, tên lửa này đã bay qua bầu trời cách vùng Đông Bắc Nhật Bản 400km và sau khi tách khỏi tầng thứ hai, tên lửa đã bay được 3.000km và tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng “tên lửa Triều Tiên không thể đạt đến độ chính xác tới mức có thể định vị rõ địa điểm tấn công một cách cụ thể” nhưng nếu chúng mang theo không chỉ đầu đạn hạt nhân mà cả vũ khí sinh học hoặc hoá học thì thiệt hại là vô cùng lớn.

“Sách trắng quốc phòng 2010” của Hàn Quốc cho rằng từ năm 2007, Triều Tiên đã trang bị tên lửa Musudan tầm bắn 2.500-4.000km cải tiến từ tên lửa phóng từ tầu ngầm của Liên Xô. Với tầm bắn này, tên lửa của Bình Nhưỡng đã mở rộng tới căn cứ Guam của Mỹ. Và một khi tầm bắn đạt tới 6.000km thì nó có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska.

Trừng phạt thế nào thì hợp lý?

Một loạt các nước đều lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra biện pháp trừng phạt thích đáng với hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc, Nhật Bản đã kêu gọi Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết "chỉ trích mạnh mẽ" Bình Nhưỡng.

Ngày 12.12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên, bị coi là "hành động khiêu khích" đối với hòa bình và ổn định. Ông coi đây là "sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã theo dõi chặt chẽ vụ phóng cùng hướng bay của tên lửa về phía Nam của Bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh rằng vụ phóng tên lửa này không gây đe dọa đối với nước Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và là người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nói vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm nay... là một hành động khiêu khích cao độ, đe dọa an ninh khu vực, vi phạm trực tiếp các nghị quyết 1718 và 1874 của Liên hợp quốc, đi ngược lại những nghĩa vụ quốc tế của CHDCND Triều Tiên và phá hoại hệ thống không phổ biến vũ khí toàn cầu. Trong những ngày tới, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác tham gia Đàm phán Sáu bên, Hội đồng Bảo an và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc để có hành động phù hợp đối với CHDCND Triều Tiên...".

Trung Quốc ngày 12.12 cũng đã chỉ trích Triều Tiên vì vụ phóng, yêu cầu Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, theo Hãng tin Tân Hoa xã. “Bình Nhưỡng phải tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên không tiến hành bất cứ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.

Bắc Kinh cũng hối thúc Bình Nhưỡng “ngừng tất cả các hoạt động liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo”. Trung Quốc hi vọng “tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế để không làm phức tạp thêm tình hình”. Bắc Kinh kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, còn có mặt Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng việc tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt cứng rắn không chắc sẽ được thông qua bởi Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên, sẽ phản đối.

Thời điểm cuối năm 2012 chứng kiến hàng loạt cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái phóng tên lửa có thể là sự thể hiện của Triều Tiên cho thấy tiềm lực và năng lực tên lửa của họ trước những cuộc đàm phán mới, để Bình Nhưỡng ở một vị thế mặc cả tốt hơn khi các chính quyền xung quanh đã ổn định sau chuyển giao và những nỗ lực ngoại giao được nối lại. Ngoài ra, vụ phóng tên lửa còn là để kỷ niệm giỗ đầu ông Kim Jong Il, ngày 17.12. Với việc phô diễn sức mạnh về công nghệ, vụ phóng thử cũng sẽ giúp củng cố hình ảnh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem