Trở lại Hồ Gươm, rùa sẽ... sốc và đói?

Thứ năm, ngày 14/04/2011 17:20 PM (GMT+7)
Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới, Hồ Gươm gần như không còn cá. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, có thể làm rùa bị sốc khi trở lại tự nhiên.
Bình luận 0

Sáng qua, bên cạnh việc tiếp tục chăm sóc vết thương cho rùa, các thành viên tổ chữa thương bàn biện pháp đưa rùa trở lại Hồ Gươm, trong khi thức ăn tự nhiên của rùa gần như không còn.

img

Rùa Hoàn Kiếm sẽ thiếu thức ăn khi được trở lại hồ

Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới. “Có ý kiến cho rằng, do mắt lưới to nên cá lọt ra ngoài. Nhưng cũng lưới với kích cỡ mắt như vậy, khi diễn tập ở hồ Đồng Mô, chúng tôi bắt được từ cá vài chục cân đến cá bé bằng mấy ngón tay”, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, nói.

Theo nhiều nhà khoa học, Hồ Gươm gần như không còn cá dù việc cấm đánh bắt được thực hiện nhiều năm nay. “Phải thả cá lại hồ. Nhưng thả loại nào, phải bàn”, TS Vĩnh nói.

Có mặt trong buổi chữa trị cho rùa sáng 13.4, TS Bùi Quang Tề (Viện Nuôi trồng Thủy sản) và nhiều thành viên tổ chữa thương nhất trí cần có một hội thảo về vấn đề này.

Chiều 13.4, nhóm điều trị trình các đề xuất lên UBND TP Hà Nội để nhanh chóng xây dựng lộ trình đưa rùa Hồ Gươm trở lại tự nhiên.

Sáng qua, trong bóng râm của bể điều dưỡng, rùa không tỏ ra sợ sệt khi có người tới gần. Tất cả hoạt động chữa trị diễn ra suôn sẻ vì rùa tỏ ra khá hiền lành.

TS Nguyễn Văn Vĩnh, thành viên tổ chữa thương, nói: “Nếu cứ để rùa ở trong bể thời gian nữa, rùa sẽ quen với điều kiện nuôi nhốt, dạn với người, quen được cho ăn, kẻ xấu có thể dễ dàng tiếp cận khi rùa nổi lên gần bờ”, TS Vĩnh nhận định.

Trong khi đó, ngay cả khi đã lành bệnh, rùa Hồ Gươm không thể sớm trở lại hồ và việc cải tạo hồ chưa xong. Theo các thành viên Ban Quản lý Hồ Gươm, việc cải tạo hồ, vớt dị vật và hút bùn lòng hồ sẽ kéo dài 2 - 3 tháng nữa, dù việc hút bùn dự kiến áp dụng công nghệ Đức từng thử nghiệm năm 2009.

Nếu đợi cải tạo xong hồ mới đưa rùa xuống thì nguy cơ bị thuần hóa, quen với nuôi nhốt là rất cao, tổ chữa thương nhận định. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, nhưng thiếu các vi chất tự nhiên trong bùn có thể làm rùa phát sinh bệnh mới hoặc bị sốc khi trở lại tự nhiên.

Một trở ngại nữa là bể điều dưỡng bằng thép rất nóng vào buổi chiều. Nhóm chữa thương đang đề xuất làm thêm mái che tại khu điều dưỡng, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.

 

Theo Tiền Phong
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem